Cập nhật lúc:
6/20/2013 6:01:27 AM
Gần đây, người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với nhiều mặt hàng Trung Quốc, nhất là các mặt hàng tươi sống do chất lượng của những mặt hàng này không đảm bảo.
Ảnh minh họa
Giảm mạnh
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức nhớ lại, vào thời điểm tháng 5-2005, trong tổng số 1.300 tấn trái cây và rau, củ, quả các loại về chợ mỗi đêm, chỉ riêng rau, củ, quả có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm tới khoảng 30%. Trong đó, nhiều nhất là cà rốt, rồi đến súp lơ, hành, tỏi, gừng, khoai tây, táo, lê… Tại chợ đầu mối Hóc Môn, mỗi đêm cũng đón khoảng 100 tấn rau, củ, quả của Trung Quốc, trong đó cà rốt chiếm khoảng 30 tấn, tỏi 15 - 20 tấn, khoai tây 20 tấn…
Thế nhưng đến nay tình hình đã khác. Tại chợ Thủ Đức, những ngày đầu tháng 6-2013 lượng hàng về chợ tương đối ổn định. Trong số 1.600 tấn rau, củ nhập về chợ hàng đêm, khoảng 150 tấn có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm gần 10% tổng lượng hàng.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền cũng cho rằng, những năm trước các loại cá nục, cá bông, thu đao… chiếm khoảng 20% - 25% tổng lượng cá biển về chợ. Thế nhưng những tháng gần đây, tỷ lệ này chỉ còn lại 1%. Riêng trái cây và rau, củ, quả xuất xứ Trung Quốc hiện còn rất ít, trong khi đó hàng Việt Nam chiếm phần lớn.
Theo ghi nhận của chúng tôi, do sức mua đối với các loại thực phẩm ngày càng giảm mạnh nên tại các chợ đầu mối đã không còn tình trạng thương nhân chuyên kinh doanh hàng Trung Quốc. Tại các chợ bán lẻ, nhiều tiểu thương cũng đã ý thức được trách nhiệm với cộng đồng nên họ đã “nói không” với hàng Trung Quốc.
Vợ chồng anh Bình - chị Thoa, chuyên bán rau, củ, quả ở chợ Văn Thánh cho biết, trong 5 năm gần đây đã không còn bán bất cứ sản phẩm nào của Trung Quốc, thay vào đó họ đã tăng lượng rau, củ, quả đạt chuẩn VietGap của Thỏ Việt để bán cho khách hàng. Anh Bình cho biết: “Mặc dù đồng lời kiếm được ít hơn, nhưng vợ chồng tôi vui vì không bán hàng độc hại!”.
Người tiêu dùng ngán ngại
Trưa 18-6, chúng tôi dạo quanh một vòng các chợ Thủ Đức, Bắc Ninh (quận Thủ Đức), chợ Nhỏ (quận 9), hỏi mua khoai tây và được tiểu thương đưa cho xem khoai tây Đà Lạt củ nhỏ, củ to và khoai tây Hà Nội chứ không hề có khoai tây Trung Quốc. Giá bán các loại khoai tây nói trên dao động 24.000 - 30.000 đồng/kg, tùy loại.
Khi được hỏi về cách phân biệt khoai tây Trung Quốc với khoai tây Đà Lạt, một tiểu thương ở chợ Thủ Đức tiết lộ: “Khoai tây Trung Quốc vỏ trơn bóng, mỏng và vị ăn nhạt; còn khoai tây Đà Lạt vỏ đỏ, dày, vị ăn bùi”. Tại chợ Bắc Ninh (quận Thủ Đức), ghé một quầy bán rau, củ, quả chúng tôi hỏi thăm mua khoai tây, chị tiểu thương cho biết: “Ở đây chỉ bán khoai tây Đà Lạt chứ không bán khoai tây Trung Quốc vì người tiêu dùng không ai mua”.
Trên thực tế, nếu so sánh với các loại rau, củ, quả của Đà Lạt thì hàng Trung Quốc nhỉnh hơn về nhiều mặt. Chẳng hạn, ở mặt hàng cà rốt thì củ to hơn, màu đỏ hơn, cuống nhỏ lại được cắt, gọt và rửa sạch hơn. Tương tự, gừng củ của Trung Quốc cũng to, mọng hơn so với gừng nội. Ở mặt hàng súp lơ không chỉ tươi hơn mà còn được bao bọc trong chiếc túi lưới, nhìn rất bắt mắt.
Đáng lưu ý, hầu hết những mặt hàng này đều có “tuổi thọ” cao hơn nhiều so với hàng trong nước. Nhờ những “ưu thế” đó, ngay khi đưa vào thị trường Việt Nam, hàng Trung Quốc không chỉ hấp dẫn tiểu thương bán sỉ tại các chợ đầu mối, mà tại các chợ bán lẻ, số lượng cũng như chủng loại hàng Trung Quốc ngày càng tăng lên.
Tuy nhiên, sau một thời gian, vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là do tâm lý lo ngại hàng Trung Quốc bị tẩm ướp các loại hóa chất độc hại để giữ độ tươi lâu hơn bình thường, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ nên sức mua các loại rau, củ, quả có nguồn gốc từ nước này ngày càng giảm mạnh.
Còn với những người tỏ ra hiểu biết, họ cho rằng trong quá trình gieo trồng, có thể các nhà vườn có sử dụng chất kích thích với liều lượng cao nên mới cho ra các loại củ, quả vừa to, vừa căng mọng hơn nhiều so với hàng Việt Nam. Mặt khác, dù nhìn rất đẹp mắt nhưng khi chế biến, chất lượng, độ giòn ngọt của các loại củ, quả Trung Quốc luôn thua xa so với sản phẩm cùng loại của Việt Nam.
Ban quản lý các chợ đầu mối khẳng định, hiện nay một số mặt hàng Trung Quốc vẫn được đưa về TP nhưng chủ yếu phục vụ các nhà hàng tiệc cưới và một số tỉnh, thành lân cận. Riêng tại các chợ bán lẻ trong khu vực nội thành TPHCM, lượng hàng nông sản Trung Quốc đang ngày càng bị thu hẹp.
Theo Hải Hà – Đình Lý
Sài Gòn giải phóng