Nỗ lực kéo giá thực phẩm
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 231
Hôm qua: 4156
Tổng số: 8908149
 

 
 

Cập nhật lúc: 7/15/2012 10:47:05 AM
Giá nhiều mặt hàng thực phẩm tại các chợ và siêu thị đã giảm nhẹ, dù vẫn còn đứng ở mức cao sau khi các mặt hàng bình ổn được Sở Tài chính TP. HCM điều chỉnh giảm giá.
Trong khi hệ thống siêu thị đua nhau khuyến mãi, giảm giá để kéo khách, giá mặt hàng thực phẩm tại các chợ vẫn giảm rất chậm dù người chăn nuôi và trồng lúa đang bán sản phẩm dưới giá thành.
 
Chậm giảm giá, chợ ế hàng
 
Sáng 13-7, nhiều tiểu thương tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) chào giá thịt ba rọi ở mức 88.000 - 90.000 đồng/kg, thịt đùi 76.000 đồng/kg... Tại chợ Hòa Hưng (Q.10), thịt ba rọi được chào bán với giá 90.000-95.000 đồng/kg và chân giò rút xương 75.000 đồng/kg. Tại hầu hết chợ mà chúng tôi khảo sát, dù đã giảm nhẹ so với trước nhưng giá thịt các loại đều cao hơn giá bình ổn 5.000-7.000 đồng/kg tùy loại.
 
Chị Trần Quỳnh Trang (đường Út Tịch, Q.Tân Bình) mua hàng tại chợ Phạm Văn Hai bức xúc: “Đọc báo cứ thấy nói giá thịt heo giảm liên tục, nhưng xách giỏ ra chợ chẳng thấy giảm bao nhiêu, thậm chí có mặt hàng còn tăng giá”. Còn chị Đặng Thị Mãi (Bình Giã, Q.Tân Bình) nói: “Lâu lâu tôi mới mua chút thịt cho cháu, bây giờ đi mua thứ gì cũng mắc quá!”.
 
Tiểu thương Thu Hương (chợ Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình) cho rằng thịt heo lấy từ chợ đầu mối hiện chỉ ở mức 40.000 - 45.000 đồng/kg nhưng là nguyên khối, “về tới chợ tiểu thương mới phân loại ra bán, lời lãi phải bù qua sớt lại chứ khó tính cụ thể được”. Hơn nữa, ngoài chi phí thuê sạp, thuế, công vận chuyển... tiểu thương chẳng được hỗ trợ gì so với các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn giá, “nên giá thịt bán lẻ ở ngoài thị trường có cao hơn cũng là điều dễ hiểu” - bà Hương phân trần.
 
Hầu hết tiểu thương đều cho rằng giá thực phẩm tươi sống tại các chợ đang ở mức ổn định, thậm chí còn thấp hơn so với đầu tháng 5-2012 nhưng sức mua vẫn không được cải thiện. Một chủ sạp thịt heo tại chợ Hoàng Hoa Thám cho biết hiện mỗi ngày chỉ còn nhập 40-60kg thịt nhưng phải bán đến đầu giờ chiều hoặc bỏ mối cho các cửa hàng, quán ăn mới hết được hàng.
 
Giảm giá, tăng tiện ích để kích sức mua
 
Những ngày gần đây, chị Bảo Hân (Bình Thạnh) cho biết đã mua được thịt, gạo... với giá rẻ hơn sau khi Sở Tài chính TP.HCM điều chỉnh giảm giá hàng loạt mặt hàng bình ổn. “Dù mức giá giảm không nhiều, chỉ 500 đồng/kg gạo và 1.000-2000 đồng/kg thịt gia súc, gia cầm, nhưng hầu hết người nội trợ như chúng tôi cũng cảm thấy an ủi hơn, chứ cứ nghe nông dân chăn nuôi bán lỗ mà người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao” - chị Hân nói. Chị Hân cho biết hiện giá thịt được Vissan bán ra chỉ còn 85.000 đồng/kg thịt ba rọi, 86.000 đồng/kg thịt nạc...
 
Hệ thống các siêu thị có tham gia chương trình bình ổn đã điều chỉnh giá sau thông báo của Sở Tài chính. Theo bà Dương Thị Quỳnh Trang - giám đốc đối ngoại chuỗi hệ thống siêu thị Big C, siêu thị này vừa làm việc với hơn 150 nhà cung cấp để giảm giá bán cho khoảng 300 mặt hàng thiết yếu với mức giảm trung bình 2%, thậm chí có mặt hàng lên đến 12% so với giá bán hiện tại.
 
“Việc giảm giá sẽ được thực hiện trong vòng hai tháng. Sau thời điểm này, nếu tình hình thị trường vẫn chưa thể hồi phục như mong muốn, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm các giải pháp mới để kích sức mua người tiêu dùng hơn nữa” - bà Trang nói.
 
Không chỉ giảm giá trực tiếp cho 300 mặt hàng, các chương trình khuyến mãi trong hệ thống siêu thị này cũng góp phần giảm giá thêm nhiều mặt hàng, người tiêu dùng sẽ được “giảm giá chồng giảm giá” mà theo lời bà Trang: “Chúng tôi muốn thiết lập mặt bằng giá tốt nhất để người tiêu dùng móc hầu bao chi tiêu nhiều hơn khi mua sắm”.
 
Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cũng cho biết hiện chuỗi hệ thống Co.op Mart của doanh nghiệp này đang thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi để kéo người tiêu dùng. “Nếu khuyến mãi, giảm giá mà sử dụng hàng chất lượng không cao, hoặc không chú trọng đến yếu tố gia tăng tiện ích sử dụng cho người tiêu dùng cũng khó lòng thu hút được người mua” - ông Nhân nói.
 
Cũng theo ông Nhân, trong vòng hơn một tháng qua, phần lớn nhà cung cấp đều không có thông báo tăng giá bán. Vì nếu nhà cung cấp nào tăng giá bán trong thời điểm này, điều đó cũng có nghĩa họ sẽ làm mất thị phần mình đang có. Mà bản thân các nhà phân phối cũng đang cạnh tranh quyết liệt để duy trì sức mua, lôi kéo người tiêu dùng về phía mình, nên chẳng ai mạo hiểm “hùa” theo với nhà cung cấp để làm mất chỗ đứng đã tạo dựng được trong lòng người mua.
 
Người chăn nuôi vẫn lỗ nặng

Trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng đứng giá cao, người chăn nuôi tiếp tục thua lỗ nặng khi giá heo, gà xuống dưới giá thành sản xuất và vẫn tiếp tục giảm. Hiện giá gà công nghiệp được các chủ trại cũng như công ty chăn nuôi chào bán ở mức giá 18.000-19.000 đồng/kg, chỉ bằng 60% giá thành nuôi (30.000 đồng/kg).

Tương tự, giá trứng gà công nghiệp sau khi tăng nhẹ hồi tháng 6 lên mức trung bình 1.530 đồng/quả sau năm tháng bán thấp hơn giá thành, đến đầu tháng 7 cũng quay đầu giảm giá. Hiện giá trứng loại 1 chỉ còn 1.500 đồng/quả và giá trung bình ở mức 1.400 đồng/quả, thấp hơn giá thành 80-100 đồng/quả.

Ông Nguyễn Trí Công, chủ tịch Hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo hơi vẫn tiếp tục ở mức thấp, từ 37.000-40.000 đồng/kg. Ông Vũ Bá Quang, một chủ trại chăn nuôi heo ở Vĩnh Cửu (Đồng Nai), cho biết với mức giá này thì sau gần bốn tháng chăn nuôi, người chăn nuôi bán lỗ 7.000-10.000 đồng/kg, tức mỗi con heo xuất chuồng (nặng khoảng 100 kg) người dân đang lỗ tới cả triệu đồng.

“Đây là một thiệt hại cực kỳ lớn nếu tính trên tổng số heo mà người dân đang nuôi” - ông Quang cho biết.
 
Theo D.Tuấn - Trần Vũ Nghi - Trần Mạnh
Tuổi Trẻ

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che