Cùng với ấn tượng về những khu tập thể xuống cấp trước đây, nhiều ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng bản thân thị trường nhà ở xã hội hiện nay cũng còn mang nhiều màu sắc bao cấp.
Câu chuyện về các khu chung cư cũ một lần nữa được nhắc lại tại hội thảo về nhà xã hội tại Việt Nam và các bài học quốc tế, do Ngân hàng Thế giới và Bộ Xây dựng tổ chức ngày 12/3. Nhiều chuyên gia nhớ lại, thời bao cấp, để được phân nhà, đối tượng xét duyệt cần một loạt "chỉ tiêu". Nhưng rồi sau hàng chục năm, những khu tập thể cũ xập xệ tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thanh Hoá, Hải Phòng… lại là nỗi ám ảnh của nhiều người.
Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện này được nhắc tới khi cơ quan chức năng mổ xẻ các chính sách nhà xã hội. Cách đây vài năm, khi những dự án này được giới thiệu đến các địa phương, nhiều lãnh đạo tỉnh vẫn tỏ ra nghi ngại bởi cho rằng người dân địa phương vẫn còn ấn tượng xấu với những khối nhà xập xệ, xuống cấp trước đây.
“Bài học từ bao cấp Việt Nam đã thấy quá rõ rồi. Cần vận dụng thế nào để mọi người tiếp cận được nhà xã hội nhưng tránh màu sắc bao cấp”, ông Nguyễn Quang, đại diện Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc (UN-Habitat) nói.
|
Nguồn cung nhà xã hội trong nước còn thấp. Ảnh: H.H
|
Chia sẻ nhận định này, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) nhìn nhận, mặc dù Chính phủ đang nỗ lực cải cách, song nhà ở xã hội vẫn còn gặp nhiều thách thức. Nhà cao cấp dư cung nhưng khu vực giá rẻ, có chất lượng lại thiếu, cho thấy sự thất bại của thị trường bất động sản.
Theo bà Victoria Kwakwa, tốc độ đô thị hoá của Việt Nam rất nhanh tạo ra nhiều nhu cầu mới về nhà ở, khiến doanh nghiệp có điều kiện để phát triển nhiều dự án. Tuy nhiên, thị tường lại gặp phải thách thức là có tới 40% dân số thu nhập dưới mức trung bình. “Bởi vậy, vai trò của Chính phủ là phải đảm bảo sân chơi công bằng cho cả những doanh nghiệp cũng như người dân tham gia”, lãnh đạo World Bank thẳng thắn.
Số liệu từ cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản cho thấy, từ năm 1999, quỹ nhà cả nước khoảng 700 triệu m2, tương đương 9,6 m2 cho một đầu người. Mười năm sau, quỹ nhà đã tăng gấp đôi, diện tích bình quân hơn 16 m2. Như vậy, trong hơn 10 năm, quỹ nhà ở đã tăng, nhưng nguồn cung nhà xã hội vẫn thiếu.
Tại hội thảo, một số doanh nghiệp trong nước cho rằng, để nhà xã hội đến được với người dân thì giá phải rẻ. Chính phủ phải có chính sách về đất đai, hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ vốn, đẩy nhanh thủ tục để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp nhằm kéo giá nhà trong nước xuống. Doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Xây dựng hỗ trợ về mặt công nghệ, đồng thời đưa ra mô hình mẫu nhà xã hội trên khoảng diện tích 1.000-2.000 m2 để họ có thể áp dụng. Doanh nghiệp cũng cho biết cần một cơ chế song phẳng, thắng thắn, công bằng tránh "mang tiếng" được bao cấp.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng các ý kiến không cần quá quan ngại về chuyện bao cấp, bởi khác với trước đây, Nhà nước hiện không bỏ tiền đầu tư mà chỉ hỗ trợ thông qua chính sách như tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT đầu ra…
Thừa nhận khiếm khuyết của thị trường bất động sản là tập trung quá nhiều nhà cao cấp, trong khi sản phẩm cho người nghèo, thu nhập thấp lại quá ít, song Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng chủ trương chung hiện là giải quyết vấn đề nhà ở thông qua thị trường. “Không thể bỏ rơi hay bỏ quên người thu nhập thấp. Bộ Xây dựng khẳng định ko tách rời người nghèo ra khỏi cộng đồng”, ông Nam nói.
Theo đại diện Bộ Xây dựng, điều khó trong việc xác định đối tượng được mua nhà xã hội là kiểm chứng thu nhập thưc sự của người dân, điều mà cả Bộ Công Thương, Tài chính cũng chưa làm được. Tuy nhiên theo Thứ trưởng, chuyện mua đi bán lại khó xảy ra, bởi thực tế, nhà ở xã hội đã được “bít” hết khả năng sinh lời: “Mua cái nhà mà đợi 10 năm hay sắp tới là 5 năm rồi mới bán để kiếm lời thì gáo dài hơn chuôi", ông Nam nói. Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định, còn sự kiểm soát từ cơ quan chủ quản, chính quyền địa phương... nên không lo chuyện bán đi để hưởng chênh lệch từ nhà xã hội.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cũng cho rằng để phát triển nhà xã hội, Việt Nam cần học tập thêm kinh nghiệm bên ngoài. Đưa ra kinh nghiệm từ Brazil, đất nước từng thiếu hụt 7 triệu căn hộ, tương đương 20% quỹ nhà cả nước, ông Sameh Naguib Wahba, Giám đốc Ban phát triển đô thị Ngân hàng Thế giới cho hay, bí quyết ở chỗ nước này không chỉ hỗ trợ nhà ở mà còn dạy nghề tại chỗ để tăng thu nhập cho người lao động. “Một khi có việc làm và thu nhập ổn định, Nhà nước sẽ hỗ trợ các khoản vay ưu đãi đến 90% giá trị căn hộ. Ở Brazil, việc cấp phép xây dựng nhà ở xã hội chỉ trong vòng 15 ngày”, ông Sameh Naguib Wahba cho hay.
Ngoài ra, các công ty xây dựng nhà ở xã hội tại Brazil cũng hầu như không phải chịu rủi ro về chính sách mà chỉ tính toán việc xây dựng các căn hộ phù hợp với điều kiện sống và khả năng tài chính của người có thu nhập thấp. Chính phủ nước này cũng kết hợp chương trình phát triển nhà ở xã hội với các chương trình cải tạo đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng...
Hoàng Lan