Cập nhật lúc:
6/8/2015 8:21:39 AM
Hàng trăm hộ nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế đã chi từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng nuôi ong mật dưới tán rừng, vườn đồi với hy vọng làm giàu nhanh chóng.
|
Sau hai năm ghi nhận tính hiệu quả kinh tế từ những chủ trại di cư đàn ong từ miền Nam về các tỉnh miền Trung kiếm ăn, lấy mật, hàng trăm nông dân Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế, Quảng Trị... đã mạnh dạn đầu tư vài trăm triệu đến hơn một tỷ đồng mua thùng gỗ, con giống, thức ăn... nuôi ong dưới tán rừng.
|
|
Theo các chuyên gia, khác biệt với nhiều nơi, đặc thù khu vực miền Trung mùa nắng kéo dài đến tám tháng (từ tháng 3 đến tháng 10 âm lịch) nên môi trường tự nhiên thích hợp với việc nuôi ong lấy mật.
|
|
Anh Lâm Nguyễn Hòa, cán bộ kỹ thuật trại ong giống Tân Hữu Nhân (Đồng Nai) cho hay, nếu như mùa hoa cà phê ở Tây Nguyên chỉ khoảng một tháng, hoa vải (Bắc Giang) khoảng 25 ngày, mùa hoa nhãn (Hưng Yên, Vĩnh Long, Mỹ Tho, Tiền Giang) kéo dài nhất cũng chỉ một tháng thì ở các tỉnh miền Trung mùa ong lấy mật keo lá tràm kéo dài đến 8 tháng. "Môi trường tự nhiên, thổ nhưỡng ở khu vực này là điều kiện lý tưởng để người dân nơi đây phát triển nghề nuôi ong lấy mật đạt hiệu quả kinh tế cao", anh Hòa nói.
|
|
Từ nguồn vốn ban đầu vài trăm triệu đồng, ông Huỳnh Văn Nam (ngụ xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đầu tư mua 120 đàn ong. Sau gần một năm lao đao do quá trình di cư ong đi kiếm ăn nhiễm thuốc trừ sâu, dịch bệnh chết gần một nửa, đến nay gia đình ông gây giống phát triển lên 400 đàn.
"Tháng 5 vừa qua, vụ đầu tiên tôi thu được 5,3 tấn mật thu về 200 triệu đồng, từ nay đến cuối năm dự kiến tiếp tục thu 25 tấn mật nữa bán cho các công ty xuất khẩu. Một khi nắm vững kỹ thuật, có quỹ đất vườn, đồi rừng thì không có nghề nào đạt hiệu quả kinh tế cao bằng nghề nuôi ong lấy mật", ông Nam thổ lộ.
|
|
Cảm thấy thích thú những trại ong di cư, ông Tân Ngọc Trang (ngụ xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) tìm tòi trên mạng Internet, học hỏi thêm kỹ thuật từ các chủ trại rồi về đặt đàn ong ở gần nhà mình. Hơn 5 tháng trước, ông Trang quyết định đầu tư thêm hơn một tỷ đồng mua 600 đàn ong đưa về đặt dưới tán rừng keo lá tràm của mình.
|
|
Mật ong nhuộm vàng sóng sánh dưới nắng. "Thấy các chủ trại đưa đàn ong di cư về đây kiếm ăn, lấy mật đạt sản lượng quá cao nên vợ chồng tôi quyết định đầu tư nuôi ong. Vụ thu hoạch mật đầu tiên đạt sản lượng đến 6 tấn mang về doanh thu gần 250 triệu đồng", ông Trang nói.
|
|
Quét ong xuống thùng trước khi lấy mật. Theo ông Trang, để tăng sức đề kháng cho ong, sau khi đưa con giống về đặt dưới tán rừng phải mở cửa tổ cho thông thoáng rồi cho ăn thêm phấn hoa, bột đậu nành, bổ sung các loại Vitamin...
|
|
Nguồn thức ăn dồi dào của ong ở các tỉnh miền Trung là mật tiết ra nơi nách lá ở các rừng keo lá tràm bạt ngàn khắp các đồi núi vùng trung du, miền núi.
|
|
Theo nhiều nông dân, đàn ong ở độ tuổi trưởng thành, cứ trung bình từ 7 đến 9 ngày thì quay ly tâm các cầu ong cho mật chứa trong những thùng phuy lớn.
|
|
Mật ong vàng óng được chiết từ thùng phuy vào các can nhựa chờ đưa đi tiêu thụ. Thống kê sơ bộ từ các trại cung ứng giống ở Đồng Nai, Lâm Đồng, từ năm 2014 đến nay họ đã cung ứng hàng chục nghìn đàn ong cho hàng trăm nông dân ở các tỉnh miền Trung đưa về nuôi dưới tán rừng, vườn đồi lấy mật.
|
|