Rà soát việc chấp hành chính sách, pháp luật về sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và một số đơn vị thành viên trong thời gian từ tháng 1/2010 đến tháng 6/2013, Thanh tra Chính phủ ghi nhận công ty mẹ và 42 công ty thành viên đã thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước hơn 85.000 tỷ đồng. Sản lượng kinh doanh xăng dầu chiếm trên 50% thị phần tại 63 tỉnh, thành.
Tuy nhiên, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã đầu tư tài chính ngoài ngành nghề vào kinh doanh chính (ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản) với tổng số tiền 2.255 tỷ đồng. Trong số này, tập đoàn đã tăng vốn đầu tư vào PG Bank 400 tỷ đồng (chiếm 40% vốn điều lệ của đơn vị nhận góp vốn) và Công ty cổ phẩn Bảo hiểm Petrolimex hơn 171 tỷ đồng (chiếm 51% vốn điều lệ của đơn vị nhận vốn góp) mà không có sự chấp thuận của Bộ Công thương và Thủ tướng…
|
Một góc trụ sở Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam.
|
Việc quản lý hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty xăng dầu thành viên cũng có nhiều vi phạm, đặc biệt chưa thực hiện đúng quy định trích Quỹ bình ổn xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ nhận thấy tập đoàn khoán hao hụt tổng hợp và hạch toán hao hụt xăng dầu qua kho tính theo định mức vào giá vốn tại công ty mẹ. Định mức hao hụt của các công đoạn cao hơn hao hụt tổng hợp thực tế từ 35 đến 48% nhưng chưa kịp thời điều chỉnh, đã làm tăng giá vốn, giảm hiệu quả kinh doanh.
Tập đoàn còn hạch toán vào chi phí xăng dầu hao hụt vượt định mức, không đúng quy định của Quy chế kinh doanh xăng dầu. Việc quản lý, điều hành giá bán xăng dầu nội bộ của công ty mẹ đối với các công ty xăng dầu thành viên chưa phù hợp với quy định trong các Quy chế kinh doanh xăng dầu và chưa phù hợp với giá bán do Liên bộ Tài Chính-Công Thương công bố…
Nhiều công ty thành viên buông lỏng điều kiện thanh toán khi hợp đồng tái xuất xăng dầu, cho phép bên mua chậm thanh toán nhưng không có điều kiện để đảm bảo thu hồi, làm phát sinh công nợ khó đòi hơn 278.000 USD, nguy cơ mất vốn.
Theo Thanh tra Chính phủ, tập đoàn và các công ty thành viên còn có nhiều vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xâu dựng, quản lý sử dụng đất; quản lý, điều hành giá bán xăng dầu trong nước.
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương xây dựng và ban hành quy định về phương pháp xác định yếu tố chi phí vận tải và chi phí bảo hiểm đối với xăng dầu nhập khẩu khi xác định giá cơ sở xăng dầu. Bộ Tài chính xem xét, quy định chế độ hạch toán đối với việc bán xăng theo hình thức "hợp đồng đại lý bao tiêu", nhằm quản lý chặt chẽ, minh bạch giá bán và chi phí thù lao cho các tổng đại lý, kinh doanh xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Tập đoàn sửa đổi, bổ suy Quy chế kinh doanh xăng dầu và các định mức kinh tế - kỹ thuật về quản lý xăng dầu. Xây dựng và ban hành quy chế, quy định về quản lý bán hàng tại các thời điểm điều chỉnh giá, quản lý xăng dầu tồn kho…
Công văn do Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh ký cũng đề nghị Bộ Công thương rà soát, xem xét việc xếp loại doanh nghiệp với 31 công ty xăng dầu thành viên có vi phạm trong việc chấp hành pháp luật thuế. Bộ Tài chính truy thuế với 319,5 tấn dầu diezen bán tái xuất không đúng đối tượng.
Bộ Công thương, Bộ Tài chính và UBND Hải Phòng kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan sai phạm tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các công ty thành viên. Bộ Công an được đề nghị tiếp nhận hồ sơ vụ một số vụ việc.
Xuân Hoa