Theo đó, ôtô từ 7 chỗ trở xuống sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu sẽ phải dán nhãn năng lượng để thể hiện các nội dung liên quan đến mức tiêu thụ nhiên liệu của kiểu loại xe đã được cơ quan quản lý chất lượng kiểm tra và chứng nhận.
Dán nhãn để bảo vệ người tiêu dùng?
Ông Nguyễn Hữu Trí - phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN - cho biết cơ sở để xây dựng thông tư trên căn cứ vào Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và có hiệu quả cùng nghị định hướng dẫn thi hành luật này. Bên cạnh đó, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu và lộ trình thực hiện. Trong đó có quy định ôtô con (loại bảy chỗ trở xuống) bắt buộc dán nhãn năng lượng từ ngày 1-1-2015.
Khi được hỏi việc dán nhãn năng lượng trên có cần thiết không khi các nhà sản xuất ôtô đã ghi mức tiêu thụ năng lượng theo kilômet vận hành trong từng địa hình, ông Trí cho biết: “Mục đích dán nhãn để bảo vệ người tiêu dùng, tránh việc doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhập khẩu công bố mức tiêu thụ nhiên liệu của ôtô không đúng với thực tế. Khi thực hiện quy định này, người mua xe có cơ sở để tham khảo, so sánh mức tiêu thụ nhiên liệu của các loại xe, các hãng sản xuất”.
Ông Trí cũng cho biết thêm nhãn năng lượng không nhất thiết phải dán lên kính chắn gió phía trước như tem kiểm định, tem chứng nhận nộp phí bảo trì đường bộ từ đó làm cản tầm nhìn, giảm thẩm mỹ xe như một số người lo ngại. “Nhãn năng lượng được dán cho xe trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ có mục đích xác nhận mức tiêu thụ nhiên liệu đối với kiểu loại xe đó. Nhãn này không phục vụ kiểm soát khi xe lưu thông trên đường” - ông Trí nói.
Theo ông Trí, tổ soạn thảo nghị định đã tiếp thu các ý kiến không nhất thiết phải dán nhãn ở kính chắn gió. Nhãn năng lượng ít nhất phải duy trì trên xe trước khi được bán nên không phải lo ngại ôtô lưu hành sẽ có thêm tem thứ ba.
Không dán nhãn xe đang lưu hành
Về những xe phải dán nhãn năng lượng, ông Trí cho biết chỉ áp dụng với xe từ bảy chỗ ngồi trở xuống được nhập khẩu, sản xuất lắp ráp mới và do doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp thực hiện dưới sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Nhãn năng lượng không áp dụng với xe đã và đang lưu hành. Về lộ trình áp dụng dán nhãn sẽ có quy định để các doanh nghiệp, cơ quan quản lý có thể triển khai thực hiện được.
Theo dự thảo thông tư, mức tiêu thụ nhiên liệu được công bố của các ôtô trước khi bán sẽ là giá trị khai báo của các nhà sản xuất, nhập khẩu ôtô nếu kết quả thử nghiệm của cơ quan thử nghiệm chuyên ngành không lớn hơn 4% so với giá trị khai báo. Trường hợp lớn hơn 4% thì lấy mức tiêu thụ nhiên liệu đo được của cơ sở thử nghiệm.
Dự kiến từ ngày 1-1-2015, quy định này có hiệu lực thi hành đối với xe nhập khẩu; với xe sản xuất, lắp ráp áp dụng từ 1-1-2015 đối với các kiểu loại mới, với những kiểu loại xe đã được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước ngày 1-1-2015 sẽ áp dụng dán nhãn năng lượng từ 1-1-2016.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chu Mạnh Hùng - vụ trưởng Vụ Môi trường Bộ GTVT - cho biết việc quy định dán nhãn năng lượng như trên có ý nghĩa với các hãng sản xuất, lắp ráp ôtô. Những xe nào đạt được tiêu chí hiệu suất tiêu hao nhiên liệu thấp dưới ngưỡng quy định sẽ được dán nhãn để khuyến cáo cho người tiêu dùng biết để có cơ sở lựa chọn loại xe phù hợp cho mình. Với những loại xe đã được các cơ quan quản lý chất lượng, đăng kiểm ở nước ngoài chứng nhận mức tiêu hao nhiên liệu rồi thì VN sẽ công nhận theo chứng nhận của các cơ quan trên. Còn những xe lắp ráp, sản xuất trong nước phải thử nghiệm rồi mới cấp nhãn.
“Dán nhãn năng lượng thứ nhất để dành cho người mua quyền lựa chọn loại xe có mức tiêu hao nhiên liệu phù hợp với mình đã được cơ quan chức năng chứng nhận. Việc này ở nước ngoài thực hiện từ lâu, kể cả những xe có lắp bộ lọc khí thải cũng được dán tem khuyến cáo. Còn với xe đang lưu hành mà không đạt yêu cầu về khí thải sẽ được những hàng rào kỹ thuật khác ngăn cản như thông qua đăng kiểm định kỳ” - ông Hùng cho biết.
* PGS-TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM, cố vấn khoa học công nghệ của Công ty ôtô Trường Hải): Lãng phí không cần thiết
Đối với ôtô cũng như môtô thì các nhà sản xuất đều công bố mức tiêu thụ nhiên liệu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông số này. Khi khách hàng lựa chọn mua một loại ôtô, môtô phù hợp thì các thông số này đã được nhà sản xuất cung cấp thông qua các catalogue hoặc thể hiện trên thân xe. Vì vậy, nếu nhà sản xuất công bố sai thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra xử lý.
Việc dán thêm nhãn năng lượng về mức tiêu thụ nhiên liệu ôtô là việc làm lặp lại không cần thiết và gây lãng phí rất lớn tiền của xã hội. Vì để làm được việc này phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhân lực kiểm định trước khi dán nhãn và những người mua xe phải trả thêm phí này (phí này được nhà sản xuất đưa vào các yếu tố cấu thành giá xe - PV). Hiện nay để sở hữu được một ôtô, người dân phải trả đến chín loại phí, lệ phí rồi, nếu thêm phí dán nhãn năng lượng nữa thì chi phí mua xe tiếp tục đội lên, chưa kể việc này sẽ mất thời gian, công sức. Nhiều nước trên thế giới không ai làm việc này. QUANG KHẢI
|
Theo TUẤN PHÙNG