Tại hội thảo kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm đối với mặt hàng sữa ngày 30-10, bà Nguyễn Thị Mỹ Hằng, Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương, cho biết nhiều năm qua có tình trạng doanh nghiệp thiếu trung thực trong sản xuất và kinh doanh sữa tại Việt Nam.
Điển hình như cuối năm 2006, hàng loạt công ty sữa phải công bố đã vi phạm quy cách giới thiệu sản phẩm (sữa lỏng) nhưng lại ghi trên nhãn mác của mình là “sữa tươi nguyên chất” hay “sữa tươi tiệt trùng” vì nguyên liệu chế biến đều là sữa gầy.
“Dòng sản phẩm này chiếm 3/4 thị phần tiêu thụ của ngành và trong nhiều năm trời người tiêu dùng đã phải uống sữa “giả tươi”, một phương pháp kinh doanh thu lợi nhuận bất chấp tất cả những giá trị đạo đức, văn hóa”- Bà Hằng cho biết.
Theo đại diện Bộ Công Thương, Việt Nam chưa có các trang trại khép kín từ chăn nuôi đến thu hoạch và chế biến sữa ở quy mô công nghiệp.
Nguồn cung cấp nguyên liệu thu mua từ nông dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình thu gom và phải di chuyển xa nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, chất lượng sữa không đảm bảo, thiếu các điều kiện (thiết bị và công nghệ) để bảo quản lâu dài và an toàn nguồn nguyên liệu, thiếu trung thực trong kinh doanh.
Kết quả kiểm tra các sản phẩm sữa trong 2 năm qua của Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế: có gần 1% nguyên nhân sữa kém chất lượng xuất phát từ nhà sản xuất, 4% có nguyên nhân từ phụ gia thực phẩm, 72% từ việc bảo quản không đúng quy định của các cấp đại lý, 18% từ việc sử dụng sản phẩm không theo chỉ định và 5% chưa rõ nguyên nhân.
Ông Trịnh Quý Phổ, Tổng thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, hiện việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất sữa trở nên phổ biến hơn.
Có doanh nghiệp sản xuất không theo đúng thành phần nguyên liệu cũng như quy trình công nghệ đã đăng ký với cơ quan quản lý. Tình trạng nhãn hàng vi phạm và quảng cáo không đúng sự thật vẫn xảy ra.
Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong