Kiểm tra kỹ lại những miếng chả cá chưa ăn hết còn để trong tủ thì phát hiện sản phẩm có hiện tượng nấm mốc đốm xanh, đen và có mùi lạ. Lo lắng về sức khỏe, anh Vũ đã trình báo đến cơ quan chức năng…
“NHÀ MÁY” CHỈ LÀ NHÀ CẤP 4 ĐỂ HOANG
Theo địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm chả cá Nha Trang hiệu “Hai Chị Em” do anh Vũ cung cấp, chúng tôi tìm đến tổ 29, KP.Thắng Lợi, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước) để tìm hiểu thực tế.
Tại đây, chúng tôi chứng kiến “nhà máy sản xuất” của công ty này chỉ là một căn nhà cấp 4 nằm sâu trong con hẻm nhỏ, lọt thỏm giữa khu vườn điều bao bọc. Căn nhà đóng cửa im ỉm, rác rưởi vương vãi ngập ngụa hôi hám như nhà hoang. Trên mái hiên của căn nhà này dựng một tấm bảng hiệu to để tên “Công ty cổ phần thực phẩm Canh Chua Việt”.
Quay ra đầu hẻm hỏi thăm, những người dân địa phương cho biết cơ sở này từ lâu rồi vẫn đóng cửa, không hoạt động sản xuất gì. Chúng tôi đang hỏi chuyện thêm từ chị bán hàng ven đường, một người đàn ông đứng gần đó mách: “Các chú muốn biết rõ thông tin cứ vào gặp người nhà của chủ cơ sở này đang trong quán cà phê bên đường kìa”.
Chúng tôi vội bước sang quán cà phê, gặp một người đàn ông lớn tuổi không cho biết tên, chỉ giới thiệu là bố của Hiếu (Trần Phước Hiếu, giám đốc công ty Canh Chua Việt).
Tưởng chúng tôi là khách hàng mới đang tìm hiểu về các loại sản phẩm chả cá của công ty, ông ra sức quảng cáo: “Các sản phẩm chả cá của thằng con tôi sản xuất đến nay đã có thương hiệu nổi tiếng, hiện đang được tiêu thụ khắp toàn quốc, nhiều khi làm không kịp đủ hàng giao cho khách đâu…”.
Theo lời kể của ông này, tất cả nguồn cá được thu từ Nha Trang ướp đá đóng thùng gửi theo xe đò chuyển vào bến xe miền Đông (TP.HCM). Sau đó, “lính” của công ty sẽ ra lấy hàng đem về sản xuất và chế biến tại Chi nhánh ở quận 12 (TP.HCM).
“Sao công ty không mua nguồn cá từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm chả cá cho gần”, tôi thắc mắc. Ông ta trả lời: “Cũng mấy lần chúng tôi thử lấy hàng ở đấy, nhưng do nguồn cá không đều nên đành phải lấy hàng từ Nha Trang vào để sản xuất”.
Khi nghe chúng tôi ngỏ ý muốn được vào tận mắt tham quan quy trình sản xuất chả cá tại “nhà máy” thì ông này lắc đầu bảo: “Do vừa có đoàn thanh tra đột xuất xuống kiểm tra nên nhà máy phải tạm ngưng hoạt động rồi. Giờ chủ yếu chúng tôi chỉ tập trung sản xuất tại Chi nhánh trên Sài Gòn thôi”.
“Đoàn chức năng xuống kiểm tra việc gì ở nhà máy vậy chú?”. Ông đáp: “Trong làm ăn thì sao tránh khỏi được chuyện này chuyện nọ, mà tất cả cũng là chuyện vặt trong kinh doanh mà cậu, mai mốt chờ giải quyết xong sẽ lại hoạt động bình thường…”.
Nói rồi, ông quay sang hỏi chúng tôi muốn đặt những mặt hàng chả gì, cần bao nhiêu để ông điện thoại về chi nhánh công ty chuẩn bị hàng giao tận nơi. Chúng tôi lấy lý do xin địa chỉ của chi nhánh trên quận 12, TP.HCM để tự về liên hệ lấy hàng mẫu trước.
Tuy nhiên, để chắc ăn, ông này rút điện thoại ra bấm máy gọi cho ai đó mấy cuộc nhưng không được nên mới chịu hướng dẫn chúng tôi tìm lên chi nhánh công ty liên hệ.
CHI NHÁNH CẠNH NGHĨA ĐỊA
Để có được địa chỉ chi nhánh của Công ty CP thực phẩm Canh Chua Việt, chúng tôi đã nhiều lần phải điện thoại liên lạc với ông Trần Phước Hiếu xin bảng báo giá các loại sản phẩm chả cá Nha Trang.
Tuy nhiên, loanh quanh đi tìm địa chỉ chi nhánh ở số 403/30, tổ 8, khu phố 4, P.Tân Chánh Hiệp, quận 12 (TP.HCM) gần hết cả buổi vẫn không ra. Chúng tôi đành phải hỏi tổng đài mới biết được chính xác địa chỉ của chi nhánh này đăng ký không giống như trong bảng báo giá mà ông Hiếu gửi.
Khoảng 2 giờ chiều cùng ngày, chúng tôi mới tìm đến trụ sở chi nhánh này nhưng cửa đóng im ỉm. Quan sát bên ngoài, đây cũng chỉ là căn nhà cấp 4 có gác, ngoài cửa gắn biển tên chi nhánh nhỏ xíu mờ tịt và đáng chú ý là nằm kế bên một khu nghĩa địa.
Chờ một lúc sau mới thấy một người phụ nữ ra mở cửa nhìn khách với cặp mắt nghi ngại, nhưng sau khi biết chúng tôi đã hẹn đến xem hàng mẫu thì chị này giới thiệu tên Tĩnh (giám đốc chi nhánh) rồi đon đả mời vào nhà.
Vừa bước vào trong, chúng tôi đã bị dội bởi mùi tanh hôi trong một khoảng hiên nhơ nhuốc, các dụng cụ làm hàng bó đặc bụi. Quần áo các loại treo phơi kín trên những cái tủ đông lạnh đang chứa đầy các loại hàng chả cá, mực, cua đồng…
Căn phòng chỉ rộng chừng 20 m2, đặt hai cái tủ đông lạnh cũng chứa đầy hàng, cùng chiếc máy đóng gói sản phẩm và những thùng hàng chuẩn bị đem giao. Tôi để ý nơi góc phòng là khu vực bàn máy tính với đống sổ sách giao dịch hàng hóa, trên tường dán câu khẩu lệnh “Khi giao hàng nhớ phải nhanh, sạch, lạnh”.
Thấy chúng tôi nhìn xung quanh căn phòng bề bộn, bà Tĩnh giải thích: “Sắp tới khi ổn định thị trường, chúng tôi sẽ đầu tư mở rộng thêm một kho hàng bên cạnh chứ không để chung hàng trong văn phòng làm việc như thế này”.
“Chả cá này được làm ở đâu, giờ có thể cho chúng tôi xem quy trình sản xuất được không?”, tôi hỏi. Bà Tĩnh trả lời tỉnh queo: “Tất cả các sản phẩm đều làm trên nhà máy ở Bình Phước chứ ở đâu, có sản xuất ở đây đâu mà xem với xét!”.
Theo lời bà Tĩnh kể, bữa trước cũng có mấy khách hàng tìm đến nhà máy trên Bình Phước đòi vào tham quan và hỏi mua hàng chả cá nhưng do khách lạ nên bà khóa cửa không đồng ý cho vào. Nói rồi, bà Tĩnh lấy thêm 4 loại sản phẩm canh măng chua chuẩn bị phân phối trên thị trường đem ra chào hàng.
Theo: www.cafef.vn