PV: Thưa ông, người tiêu dùng luôn cảm thấy bất an về việc giá xăng có thể tăng bất kỳ lúc nào. Xem ra quyền lợi của người tiêu dùng có vẻ vẫn “nhẹ” hơn?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Công tác điều hành giá xăng dầu luôn bám sát Nghị định 84 và Thông tư 24. Theo đó, tần suất điều chỉnh tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp được tăng giá, tối đa 10 ngày phải giảm giá.
Quy định này tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý giành thế chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Cụ thể: nếu như 10 ngày giá thế giới giảm, trong nước có dư địa giảm, mà DN không giảm, thì cơ quan quản lý sẽ tính và buộc các DN giảm, mặc dù DN không đăng ký giảm.
Còn về quy định tối thiểu 10 ngày, thì dù xăng dầu thế tăng chóng mặt, ví dụ chỉ trong vài ngày, xăng ron 92 trên thị trường Singapore đang 114 USD/thùng vọt lên 118 rồi 120 rồi 130 USD đi chăng nữa, nghĩa là biến động bất thường, do các nguyên nhân khách quan như chiến tranh, làm đứt nguồn cung… thì DN vẫn phải chờ tối thiểu 10 ngày mới được tăng, chứ không được tăng ngay.
Việc tăng và giảm giá đều phải chốt ngày và tính bình quân 30 lật ngược về trước. Trong vòng 10 ngày có ảnh hưởng giá thế giới thật, nhưng vẫn phải “cõng” thêm mức giá của 20 ngày. Tần suất là 10 ngày để điều hành.
PV: Quy định là thế, nhưng hình như Bộ Tài chính có công thức tính giá khác DN? Mỗi lần điều chỉnh tăng thường đồng thuận, nhưng giảm thì khác và DN luôn cố tình giảm ít hơn?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Không, chỉ một công thức tính giá theo bình quân 30 ngày. Nhưng quan trọng nhất là thời điểm chốt giá. DN chốt thời điểm họ đăng ký với Bộ, còn Bộ lại chốt giá vào thời điểm điều hành.
PV: Vậy ông có thể cụ thể hơn một chút: vừa rồi giá xăng dầu tăng cao, nhưng vài hôm gần đây, giá xăng dầu lại đi xuống, nhưng các DN vẫn kêu lỗ và có ý đăng ký tăng giá bán?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Phải tính bình quân 30 ngày. Ví dụ khi chúng tôi chốt giá ở ngày 13/9, thì tính ngược 14/8. Như vậy vẫn còn những đặc điểm của ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 là giá xăng tăng do chiến tranh Syria. Hiện nay tính bình quân thì giá xăng dầu vẫn cao, DN vẫn đang kêu lỗ. Mức lỗ này nhiều hay ít tùy thuộc vào thời điểm chốt ngày của từng DN. Giá chốt ngày 9 khác ngày 11, khác ngày 13. Mình phải tính bình quân 30 ngày trước đó.
PV: Cách tính giá cơ sở dựa trên chi phí. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng giá cơ sở vẫn chưa minh bạch, do các chi phí chưa được minh bạch, thưa ông?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Trong công thức tính giá cơ sở, Nhà nước chỉ tính giá tối đa. Chi phí định mức được xây dựng từ 2009, tối đa 860 đồng. Có DN điều hành chịu rủi cao hơn và ngược lại, có DN chi phí thấp hơn do quản trị tốt. DN có nhiều khoản phí: phí biến đổi, phí cố định, ví dụ như phí lương, phí vận chuyển… Với phí vận chuyển, 1 lít xăng có những giá khác nhau ở các khu vực khác nhau: xăng ở Hà Nội khác xăng ở Yên Bái, Hà Giang… Nhà nước yêu cầu giá bán là mức giá chung, dù khu vực 1 và khu vực 2 có chênh nhau, nhưng chỉ dưới 2% thì không đủ để bù chi phí vận chuyển.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu là tối đa cho chi phí tính giá cơ sở là 860 đồng, dù việc lấy mức đánh giá của 2009 đến giờ đã không được phù hợp nữa. Vấn đề bây giờ chỉ còn là ở chi phí định mức cố định, khiến cho nhiều DN khó khăn khi đưa xăng lên vùng sâu vùng xa. Cái này sẽ làm khó DN: nếu anh quản trị DN không tốt, thì anh sẽ phải chịu rủi ro và ngược lại. Vừa rồi có DN xin phép cho thêm 500 đồng nữa trong chi phí tính giá cơ sở, đối với khối lượng xăng đưa lên bán cho Mường Lát, Thanh Hóa (cách TP Thanh Hóa 300km), nhưng không được chấp nhận.
PV: Vậy xu hướng giá xăng thời gian tới sẽ như thế nào? Tăng hay giảm, thưa ông? Nhất là khi ngày 12/9, Bộ Tài chính đã có văn bản yêu cầu DN tiếp tục giữ ổn định?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Đã để giá xăng theo thị trường thế giới thì không thể nói được cái gì, chỉ có thể nói là kiềm chế trong mức độ có thể thông qua các công cụ bình ổn giá, vì nguyên tắc là không bao cấp về giá. Trong bối cảnh xập xù, lúc tăng lúc giảm, các DN phải chia sẻ khó khăn trong thời gian này. Còn trong quy định thì DN hoàn toàn được kiến nghị chứ. Mình phải tính bình quân 30 ngày thì DN được phép.
PV: Như vậy, ngay cả Bộ Tài chính cũng không chắc chắn được giá xăng sẽ tăng hay giảm?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Đúng vậy. Không chắc chắn được.
PV: Nhưng thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu không phải huy tác dụng, nên bỏ?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Có thể là những yếu tố nào đó để mọi người đánh giá Quỹ bình ổn giá có nhược điểm, nhưng ưu điểm phải thừa nhận. Quỹ bình ổn có tác dụng kéo dài thời gian điều chỉnh giá. Nếu như giá xăng dầu biến động lên, thì Quỹ bình ổn giúp giãn được tần suất tăng giá.
PV: Hiện Quỹ bình ổn giá vẫn nằm ở DN, có sợ DN vừa đá bóng vừa thổi còi?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: DN không có quyền tự sử dụng Quỹ bình ổn giá, mà phải theo quy định. Dù quỹ đặt tại DN, nhưng có giám sát. Hằng tháng, hằng quý báo cáo và kiểm toán hằng năm. Việc công khai quỹ bình ổn ngày càng minh bạch để giám sát.
PV: Vậy ông có ý kiến gì về kiến nghị áp giá trần xăng dầu?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Thực ra, đây là một trong số các biện pháp có thể áp dụng để chống độc quyền. Nhưng kinh doanh xăng dầu hiện nay không hẳn là độc quyền mà là có DN chiếm lĩnh thị trường. Độc quyền thì chỉ có 1 người bán, nhiều người mua, trong khi hiện nay, có tới 19 DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt về thị trường, nhiều quy định đang thực hiện theo luật cạnh tranh.
PV: Vậy làm sao để phá vỡ thế chiếm lĩnh thị trường?
Cục trưởng Nguyễn Anh Tuấn: Có nhiều cách: thông qua luật cạnh tranh, hay quy định mức tính giá cơ sở để điều hành giá là các giải pháp. Rồi còn thanh tra, kiểm tra, giám sát, thông qua việc kê khai giá…
PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Lệ Thúy