Cam Trung Quốc cũng “lên đời” thành cam Canh "xịn"
“Cam Canh xịn đây!” là câu cửa miệng người tiêu dùng sẽ được nghe nếu mua cam vào dịp cận tết. Dù là hàng rong, quán bán hoa quả vỉa hè, ngoài chợ hay sạp bán hoa quả cố định, cứ dừng chân hỏi mua cam Canh là hàng nào cũng có. Giá bán dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg.
Tại một sạp bán hoa quả trên vỉa hè đường Nguyễn Sơn (Long Biên, HN), khi PV ngỏ ý muốn mua cam ngon đem đi lễ chùa, người bán hàng nhanh nhảu chỉ vào mớ cam vàng ươm bảo: “Cam Canh xịn đấy em à. Em mở hàng cho chị, chị lấy rẻ 80.000 đồng/kg thôi, mọi ngày chị đều bán 100.000 đồng/kg”. Khi PV cẩm quả cam trên tay, miết nhẹ, thấy da tay có vương chút màu do quả cam để lại liền hỏi chủ hàng “Cam Canh sao nhuộm phẩm màu giống cam Trung Quốc?”, thì chị này ấp úng: “Cam Canh thường có màu sắc xấu, chắc người buôn nhuôn thêm ít màu cho đẹp mắt. Chứ cam này ngọt như đường phèn. Em ăn thử đi, chị bán hàng ở đây thường xuyên, ai lại lừa lọc để mất khách”.
Tại chợ Vân Canh (Từ Liêm, Hà Nội), cam Canh được bán với giá 80.000 đồng/kg. Nếu người mua không tinh ý thì nghĩ là mua được cam chính gốc nhưng thực ra đó là cam Canh Hưng Yên. Chị Huệ, chủ quầy hàng tại chợ Vân Canh cho hay: “Mua cam chính gốc không có đâu em ạ, chị là dân ở đây mà chẳng mua được nữa là, cam Canh Hưng Yên này ăn cũng không khác gì đâu”, chị này giải thích thêm.
Theo một số người bán hàng tại chợ Vân Canh, trên thị trường đang có một loại cam xuất xứ Trung Quốc, có kiểu dáng, kích thước và màu sắc giống hệt cam Canh đặc sản Việt Nam. Loại cam nhái giống cam Canh thật đến mức ngay cả những người bán hoa quả lâu năm như chị cũng khó phân biệt. Chỉ bóc ra ăn mới phân biệt được vì thông thường loại cam Canh nhái này có vị rất chua.
Tại chợ đầu mối Long Biên, loại "cam Canh" có nguồn gốc từ Trung Quốc được bán với giá khá rẻ, chỉ khoảng 18.000 đồng/kg loại một, loại hai xấu mã hơn, chỉ 12.000 đến 15.000 đồng/ kg. Trong khi đó, nếu là cam Canh xịn, giá bán buôn cho các tiểu thương kinh doanh hoa quả vào dịp này đã là 100.000 đồng/ kg.
Chị Lan, bán hàng hoa quả tại chợ Bưởi cho hay, nếu lấy Cam canh xịn, các chị phải bán với giá dao động từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg mới có lãi. Nhưng với hàng Trung Quốc giả cam Canh, chỉ cần bán với giá 35.000 đến 40.000 đồng/kg thì cũng thu lãi lớn.
Người bán hàng này từng chứng kiến cảnh người bán bóc cam Canh "xịn" cho khách nếm, sau đó đưa thêm cam Trung Quốc. Chị cũng chia sẻ, loại cam Canh "nhái" này thường được bán bởi những người bán hoa quả rong. Còn những người bán hàng lâu năm, phải giữ chân khách quen như chị thì không khi nào dám làm.
Cam Canh "xịn", vào tận vườn cũng không có
Khó phân biệt được đâu là cam Canh, bưởi Diễn "xịn" trên thị trường nên tìm đến tận vườn để mua, theo nhiều người đó là một cách an toàn để đáng "đồng tiền bát gạo". Tuy nhiên diện tích trồng bưởi, cam đang ngày ít đi, không phải ai cũng mua được trong dịp tết đến, xuân về này.
Ông Trần Ngọc Uyển – Chủ tịch Hội Làm vườn xã Xuân Phương (Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Hiện toàn xã chỉ còn khoảng 10ha trồng cam Canh và bưởi Diễn, trong đó cam Canh chỉ còn khoảng 6 ha với gần 10 hộ trồng. Nguyên nhân khiến diện tích cam Canh giảm mạnh là do quá trình đô thị hóa và cam liên tục mất mùa trong những năm gần đây.
“Cam Canh năm nay được mùa, nhưng diện tích ít nên số lượng chẳng đáng là bao. Hộ nhiều cũng chỉ được 6-7 tấn là cùng, còn lại đa số các hộ chỉ đạt vài ba trăm kg hoặc vài tấn thôi. Ước tính cả xã chỉ được 35-40 tấn. Đến thời điểm này, số cam Canh còn lại trong vườn của các hộ đã có chủ hết rồi. Muốn mua được cam Canh để ăn hay biếu vào dịp tết phải đặt trước 1-2 tháng mới có ”, ông Uyển khẳng định.
Với hơn 1 mẫu đất trồng cam, nhà anh Lê Danh Thành (Hậu Ái, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội) là một trong số ít hộ gia đình ở Vân Canh còn trồng cam Canh. Bản thân anh Thành cũng chỉ mới trồng cam cách đây khoảng 6,7 năm. Với khoảng 600 gốc, cứ vào giáp tết là nhà anh thu hoạch được 3 - 4 tấn cam, bán với giá khoảng 120.000 đồng/kg. Con số này tưởng là nhiều, nhưng vì vùng này chẳng còn ai trồng nên cam nhà anh đắt hàng "tơi tới", người mua phải đến tận ruộng.
Anh Thành chia sẻ: "Hiện, cam Canh trồng ở Hưng Yên, Hải Dương thì nhiều, nhưng cam Canh trồng ở Vân Canh thì còn rất ít. Cam Canh trồng ở nơi khác người ta gọi là cam Đường Canh. Cam ăn không ngọt, không thơm như cam trồng ở đất Canh này", anh Thành nói. Khi PV thắc mắc hỏi giống cam Canh có gì đặc biệt, anh Thành trả lời đơn giản: "Vì trồng trên đất Vân Canh thì gọi là cam Canh".
Theo anh Thành, cam Canh vỏ rất mỏng, vị ngọt thanh, mùi thơm đặc trưng mà không loại cam nào có được. Hiện ở các huyện như Thanh Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Đan Phượng và một số tỉnh như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương… đang có một diện tích khá lớn cam Canh. Tuy nhiên, về chất lượng thì không thể bằng cam Canh chính hiệu (trồng ở làng Canh). Việc cam Canh chính hiệu sụt giảm diện tích, sản lượng đang là cơ hội để cam Canh ở các vùng khác “lên ngôi” và việc người tiêu dùng mua nhầm cam Canh “tứ xứ” là điều khó tránh khỏi.
Cách phân biệt cam Canh "xịn" và cam rởm, theo anh Thành, cứ nhìn vào cuống cam và màu sắc. Nếu là cam Canh "xịn", cuống sẽ đầy hoặc nếu lõm thì lõm ít, còn cam Canh hàng Trung Quốc, xung quanh cuống sẽ lõm xuống khá sâu. Về màu sắc, loại cam Canh nhái có màu đỏ au và kích thước quả khá đều nên bắt mắt. Cam Canh "xịn" thường có màu đỏ pha vàng, màu xanh lẫn vàng, hơi rám và có mã không đẹp bằng cam Trung Quốc.
Theo VietQ