Báo cáo ban đầu cho thấy hàng hóa bán tại các cửa hàng chủ yếu là hàng nhái thương hiệu. Theo quy định, đơn vị kinh doanh sẽ phải nộp thuế. Nếu hàng hóa không có nguồn gốc đầu vào, bán hàng hiệu mà không có hóa đơn chứng từ, mã số thuế, đơn vị kinh doanh thì sẽ bị xử lý. Cơ quan thuế sẽ làm việc với ngân hàng để kiểm tra tài khoản nếu thanh toán qua ngân hàng. Chắc chắn sẽ truy thu được tiền thuế đã gian lận khi khách hàng thanh toán qua thẻ.
Tập trung kiểm tra hàng hiệu giả, hàng nhái
Ngày 8-12, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Hoàn Kiếm, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết đã chỉ đạo các đội QLTT tập trung kiểm tra các mặt hàng có dấu hiệu giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng của Ý, Pháp, Mỹ... tại các trung tâm thương mại, shop thời trang lớn. Theo cơ quan QLTT, hàng giả hàng hiệu chủ yếu được sản xuất tại nước ngoài (hầu hết từ Trung Quốc) trước khi đem vào VN tiêu thụ. Những loại hàng giả này có mẫu mã giống hệt hàng thật nhưng được chia thành nhiều phân khúc chất lượng khác nhau.
Lê Sơn
|
Ông Bùi Thái Quang, phó ban quản lý rủi ro Tổng cục Hải quan, cho rằng ở VN có hàng trăm, hàng ngàn cửa hiệu bán hàng hóa có giá trị cao cấp kể cả may mặc, thiết bị điện...
Tuy nhiên, khi nhập vào VN thì cơ quan hải quan chưa có đủ lực lượng, năng lực để giám sát, kiểm tra lô hàng nhập vào đúng nguồn gốc xuất xứ, đúng giá trị. Hải quan nhiều khi chỉ giám định chất lượng hàng hóa nhập có đảm bảo chất lượng, có gây độc cho người tiêu dùng hay không.
Qua thông tin ban đầu, rõ ràng hàng hóa của cửa hàng Milano khai báo là hàng nhập từ Trung Quốc chứ không phải từ Ý để giảm giá bán nhằm trốn thuế.
* Chiều 8-12, ông Lê Đình Lợi, phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho biết đã tạm đình chỉ công tác ba cán bộ hải quan thuộc Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4, đồng thời phối hợp với công an điều tra làm rõ vụ nhập khẩu hàng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Nam Đế (viết tắt Công ty Nam Đế, đường Lê Văn Sĩ, P.13, Q.3, TP.HCM).
Ba cán bộ bị tạm đình chỉ gồm: Võ Văn Khánh (nhân viên đăng ký), Nguyễn Văn Sáng, Nguyễn Bửu Quý (nhân viên kiểm hóa). Hiện Cục Hải quan TP đang yêu cầu ba cán bộ trên giải trình, kiểm điểm trách nhiệm trong việc cho thông quan container thời trang có xuất xứ Trung Quốc do Công ty Nam Đế (nhập khẩu về nhưng bị công an bắt giữ vì lô hàng ghi xuất xứ của Ý). Theo quy định, lô hàng này thuộc “luồng đỏ” (phải kiểm tra).
Chiều cùng ngày, nguồn tin từ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cho biết PC46 đã gửi giấy mời Công ty Nam Đế đến giải quyết, nhưng phía công ty chưa cử người đến. Đồng thời trinh sát của PC46 đã truy xét một số địa chỉ các thành viên của Công ty Nam Đế, nhưng đều là địa chỉ “ảo”.
Trước đó ngày 27-11, PC46 bắt giữ lô hàng gồm quần áo, giày, dây lưng, túi xách mang những thương hiệu nổi tiếng thế giới khi lô hàng được chuyển từ xe tải xuống tầng hầm khách sạn Sheraton, Q.1. PC46 xác định lô hàng này có xuất xứ Trung Quốc, nhập về VN với giá trị mỗi sản phẩm được khai chỉ vài USD.
Theo L.THANH - A.THOA - M.THƯƠNG - Đ.THANH
Tuổi trẻ