Lo ngại quy mô kinh tế các cường quốc như Trung Quốc, Mỹ và châu Âu bị co hẹp, giá các kim loại này đã rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Nhôm hợp kim – chất liệu chính dùng trong công nghiệp sản xuất máy bay, ôtô và nước có ga đóng chai - giá đã giảm 20% trong vòng chưa đầy 5 tháng qua và hiện chỉ còn 1.899 USD/tấn – mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009.
Nickel – kim loại chính để chế biến thép không gỉ, giá giảm 30% kể từ tháng 2 đầu năm nay, hiện chạm mốc thấp nhất trong vòng 3 năm qua, 15.450 USD/tấn.
Thậm chí, quặng sắt, thứ hàng hóa vốn được giới đầu cơ ưa chuộng nhất, cũng lao dốc thảm hại, bay hơi 22% giá trị kể từ tháng 4 đến nay.
Hiện tại, các chuyên gia trong ngành không còn dự đoán nổi đâu là đáy của thị trường. Luke, một chuyên viên phân tích thị trường hàng hóa thuộc Tập đoàn vốn quốc tế Trung Quốc CICC chia sẻ: “Tôi vẫn còn nhớ, hồi đầu năm một số người đặt câu hỏi liệu mức giá hỗ trợ đối với nickel sẽ là bao nhiêu? Hầu hết mọi người đều cho rằng 20.000 USD/tấn là điểm rơi thấp nhất của kim loại này. Tuy nhiên, như ai cũng thấy hiện nay, giá nickel đã rơi tự do thêm 22,75% so với mốc đó.”
Theo lý thuyết về “chi phí cận biên của sản xuất”, nếu giá một loại kim loại rớt xuống thấp và kéo dài đủ lâu ở biên chi phí, các nhà khai thác và sản xuất kim loại sẽ có xu hướng thu hẹp sản lượng để hỗ trợ giá lên. Nhưng dường như đại suy thoái kinh tế thế giới đã khiến cho những quy luật kinh tế cũng không còn luôn đúng. Giá các kim loại vẫn xuống dốc từng ngày bất chấp mọi nỗ lực của toàn bộ thị trường.
Ngoài ra còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến tình trạng này ngày càng tồi tệ, đó chính là Trung Quốc. Công trường lớn nhất thế giới, cỗ máy ngốn kim loại mạnh nhất thế giới đang có những thay đổi lớn về chính sách.
Chính phủ nước này đang tiến hành những biện pháp hỗ trợ mạnh tay cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước khiến cho giá cả của các nhà cung cấp nước ngoài mất cạnh tranh, bên cạnh việc trợ giá cho các doanh nghiệp khai khoáng trong nước thông qua giảm thuế tiêu thụ điện. Nguyên nhân sâu xa của động thái này phía Bắc Kinh có lẽ cũng bắt nguồn từ những khó khăn kinh tế đã kéo dài quá lâu.
Hồng Liên