Trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm với nhiều yếu kém bộc lộ, đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế với các mũi nhọn đầu tư công, doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã được phê duyệt. Song, trong những năm vừa qua, quá trình này vẫn còn tiến triển chậm.
Báo cáo thẩm tra mới đây của Ủy ban Kinh tế nhận xét, kết quả tái cơ cấu chưa đạt mục tiêu là “năm 2012 chuẩn bị các điều kiện để từ năm 2013 đến năm 2015 tạo được chuyển biến mạnh mẽ, cơ bản, có hiệu quả rõ rệt”.
Cụ thể, về tái cơ cấu đầu tư công, tỷ lệ đầu tư công trong tổng đầu tư đã giảm nhẹ từ mức 39,3% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 37,8% trong năm 2012, bước đầu khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải nhưng theo cơ quan thẩm tra của Quốc hội, đến nay vẫn chưa ngăn chặn được từ gốc rễ việc phê duyệt dự toán đầu tư quá mức cần thiết, kém hiệu quả, vẫn còn tình trạng nhiều dự án dở dang, gây lãng phí.
Việc xét duyệt dự án đầu tư hiện còn mang nặng tính xin - cho, Tiến sĩ Trần Kim Chung - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận. "Các dự án đầu tư do địa phương đề xuất còn phụ thuộc nhiều vào việc xem xét và phê chuẩn của cấp trên. Nhiều dự án không đem lại hiệu quả đầu tư, phá vỡ quy mô kinh tế vẫn được phê duyệt", vị này thẳng thắn.
|
Vinashin là một trong tâm trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước.
|
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra một bất cập hiện nay là các lĩnh vực khác đều đã có đề án tái cơ cấu thì riêng đầu tư công chưa có, thậm chí Luật Đầu tư công vẫn chưa được ban hành. "Vốn đầu tư đã giảm xuống nhưng vẫn tăng về số dự án, một số trường hợp chưa được duyệt vẫn triển khai", bà Lan nói.
Một trong những khu vực được "chữa trị" sớm nhất chính là hệ thống tổ chức tín dụng với việc đề án tái cơ cấu được phê duyệt từ đầu năm 2012. Đến nay, thanh khoản của hệ thống đã được cải thiện, nguy cơ đổ vỡ cơ bản được đầy lùi thông qua việc hợp nhất, sáp nhập các tổ chức yếu kém. Nợ xấu đang từng bước xử lý thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới thành lập.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 7/2013, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn còn gần 139.000 tỷ đồng, bằng 4,58% dư nợ, cao hơn mức chuẩn an toàn là 3%. Chuyên gia Hoàng Thủy Yến đến từ Bộ Tài chính nhận định, giải quyết "cục máu đông" vẫn là bài toán nan giải của ngành ngân hàng Việt Nam. Ví VAMC không phải là phép thần thông để dọn dẹp rốt ráo nợ xấu, khơi thông mạch máu cho nền kinh tế, bà Yến khuyến nghị Chính phủ cần có những cách tiếp cận mũi nhọn với lộ trình và bước đi thận trọng để xử lý nhanh chóng, tránh trường hợp tài sản bị mấy giá trị.
Ở khía cạnh khác, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty đã làm được một số việc như định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành cho doanh nghiệp, phê duyệt các đề án sắp xếp, cơ cấu lại. Theo báo cáo của Chính phủ, số doanh nghiệp nhà nước sở hữu 100% vốn đã giảm xuống còn 1.257 doanh nghiệp, từ mức 1.309 doanh nghiệp vào tháng 10/2011. Gần 50% số địa phương không còn doanh nghiệp nhà nước kinh doanh thuần túy.
Song, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế còn băn khoăn với kết quả tái cơ cấu doanh nghiệp mang lại . "Tái cơ cấu càng chậm thì hậu quả càng trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp tiềm lực, có khả năng tự vượt qua được khó khăn nhưng do chưa có hệ thống chính sách để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu như xử lý lỗ, dôi dư tài sản, cán bộ, lao động nên lúng túng, chờ đợi, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh", báo cáo của cơ quan này cho hay.
Tiến sĩ Phạm Thế Anh - Quyền Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý, Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ, tới nay quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước mới được thực hiện trên giấy tờ. Cơ quan quản lý chỉ loay hoay sắp xếp lại, hợp nhất một số đơn vị làm ăn yếu kém, giãn nợ hoặc đứng ra trả nợ thay. Ông cho rằng, thời gian tới Nhà nước cần tích cực giảm hơn nữa số doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ, cho cổ phần hóa kể cả những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực mũi nhọn.
"Những nỗ lực thực sự để tái cơ cấu kinh tế chưa được bao nhiêu, sức ỳ và rào cản vẫn còn rất lớn. Việt Nam chưa khắc phục được những vấn đề của chính mình dẫn tới hệ quả khủng hoảng, thông qua những bất cập trong nước tác động nặng nề hơn tới Việt Nam so với các quốc gia khác", bà Phạm Chi Lan kết luận.
Phương Linh