Xoay quanh vấn đề xuất khẩu gạo hiện nay, PV đã có cuộc trao đổi với ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Thưa ông, chủ trương thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cho nông dân đã được các DN triển khai như thế nào?
Đến nay, chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Cũng có DN đề nghị tăng thêm số lượng gạo mua tạm trữ, nhưng tôi nghĩ là không cần thiết. Bởi vì, hiện giá lúa gạo đã rất tốt cho bà con nông dân, trong khi kế hoạch mua vào để phục vụ các hợp đồng xuất khẩu của các DN đã cơ bản đảm bảo.
Hiện nay, hợp đồng chúng ta đã ký là 3,5 triệu tấn gạo, giao được 1,1 triệu tấn. Theo tính toán của tôi, từ tháng 4/2013, số lượng gạo xuất khẩu sẽ tăng tốc cao hơn nữa để đáp ứng số gạo theo hợp đồng xuất khẩu đã ký. Cũng khi đó, thị trường châu Phi sẽ có cơ hội tiếp cận tốt, vì giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện thấp hơn giá Ấn độ, Pakistan khoảng 30 USD/tấn, nên khả năng bán được là cao.
Nhưng nếu chúng ta tăng giá lên cao hơn của Ấn Độ, Pakistan cũng sẽ không bán được vì lượng gạo của họ quá nhiều sẽ nhanh chóng chiếm thị trường của gạo Việt Nam. Cho nên, tiêu thụ gạo vụ đông xuân không còn đáng lo mà chỉ lo cho vụ hè thu tới.
Lý do nào khiến tiêu thụ lúa gạo vụ hè thu còn đáng lo ngại, thưa ông?
Hiện nay, nguồn cung gạo trên thế giới rất lớn. Ấn Độ chỉ cần dự trữ 14 - 15 triệu tấn gạo là đảm bảo an ninh lương thực, nhưng tồn kho của quốc gia này hiện nay đã lên tới 35 triệu tấn. Thái Lan đang dự trữ 14 triệu tấn gạo trong kho, vụ này dự kiến thu hoạch khoảng 12 triệu tấn lúa tương đương 7 triệu tấn gạo, thì tổng lượng gạo họ có lên tới 21 triệu tấn.
Trong khi đó, Thái Lan vẫn áp dụng chính sách tiếp tục mua hết của nông dân, mà để mua tiếp được thì Thái Lan phải bán gạo ra. Trước tình hình như vậy, chúng tôi dự báo trong 6 tháng đầu năm nay, giá gạo trên thế giới không thể tăng và do đó giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ không tăng.
Với tình hình đó, nếu Thái Lan không bán ra thì gạo Việt Nam còn có “cửa” tiêu thụ. Do đó, tôi nhận định năm nay thu nhập của người nông dân có thể thấp hơn so với năm 2012. Đó là do diễn biến giá cả thấp chung chứ không phải do các DN tác động làm giảm giá lúa gạo trong nước. Về phía các DN, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo cũng không phải đơn giản. Như năm 2012, nhiều DN mua vào nhưng sau đó gạo rớt giá khiến không ít DN gặp khó khăn.
Nói về giá gạo xuất khẩu, cũng có ý kiến cho rằng Việt Nam có quá nhiều DN đầu mối, tạo môi trường cạnh tranh về giá xuất khẩu không cần thiết?
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất chủ trương tiếp tục xem xét các trường hợp DN đã đầu tư cơ sở vật chất lớn, đã nộp hồ sơ đăng ký làm đầu mối xuất khẩu gạo. Theo quan điểm của tôi với các DN đã vay tiền, đã đầu tư cơ sở vật chất lớn quá cũng nên xem xét, xử lý yêu cầu của họ. Như năm 2012, chúng ta có 144 DN xuất khẩu gạo, trong đó có 71 DN đã xuất khẩu chiếm 96% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, tôi khuyến cáo các DN không nên đầu tư thêm kho tàng vì hiện đã đủ đáp ứng 4,6 triệu tấn.
Theo Văn Thắng