Tập trung vào các sản phẩm phục vụ sản xuất trong nước như khí cho ngành điện, đạm... là giải pháp được tập đoàn đưa ra để dịch chuyển sản xuất, đối phó với đà giảm giá trên thế giới.
Câu chuyện giá dầu giảm kỷ lục trở thành vấn đề được bàn hơn một tháng nay trên các phương tiện truyền thông lẫn các phiên họp của Chính phủ. Không ít lần cơ quan điều hành trấn an dư luận rằng “kinh tế Việt Nam lợi nhiều hơn hại khi giá dầu giảm sâu”. Các Bộ liên quan đưa các con số để thuyết phục rằng ngân sách không quá lo ngại khi khoản hụt thu dự kiến 20.000-50.000 tỷ đồng trong năm 2015 sẽ được bù đắp từ nhiều nguồn khác nếu giá dầu tiếp tục dưới 80 USD mỗi thùng.
Ngày 29/12, Tổng giám đốc Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) – Đỗ Văn Khạnh cho biết, theo một chỉ đạo cách nay hơn nửa tháng từ tập đoàn, doanh nghiệp này đã tính toán một số kịch bản ứng với nhiều mức giá dầu khác nhau. Theo đó, nếu giá dầu thô trung bình ở mức 100 USD thì với sản lượng dự kiến khai thác trong năm 2015 lên đến 5,86 triệu tấn dầu quy đổi, PVEP ước đạt doanh thu gần 64.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 16.000 tỷ. Đây cũng là những chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất của công ty đã được tập đoàn phê duyệt.
Tuy nhiên, với diễn biến giá giảm gần dây, vị này cho rằng nhiều khả năng các chỉ tiêu nói trên sẽ phải xin phép điều chỉnh lại. “Kịch bản cao” cho thấy, khi giá dầu giao ở mức từ 80-85 USD mỗi thùng thì lợi nhuận của PVEP – doanh nghiệp đang chiếm trên dưới 30% sản lượng dầu khai thác toàn ngành - sẽ chỉ còn khoảng từ 10.300-11.700 tỷ.
Ở kịch bản thứ hai, với giá dầu 70-75 USD thì lãi thu về tiếp tục giảm trên dưới 3.000 tỷ đồng. Trong khi với kịch bản thấp, giá dầu ở ngưỡng 60 USD như hiện nay, lợi nhuận thu về chỉ còn khoảng 4.600 tỷ đồng.
“Nếu đầu năm giá dầu ở mức khoảng 70 USD thì mỗi ngày doanh thu của Tổng công ty giảm 3 triệu USD. Đây là con số rất lớn đối với một doanh nghiệp. Khi ấy, số lời lãi dự tính 16.000 tỷ sẽ rớt xuống còn 7.000 tỷ mà thôi”, ông Khạnh nói.
Một loạt biện pháp đã được đại diện tổng công ty này liệt kê để ứng phó như dừng các dự án khó khăn, những mỏ có giá thành khai thác cao; kiểm soát và rút ngắn tiến độ để giảm giá thành. "Chúng ta đang nghèo đi rất nhiều. Chính sách thắt lưng buộc bụng sẽ được triển khai tất cả các hoạt động, mỗi thứ một tí, đề phòng chuyện giá dầu xuống 40 USD", lãnh đạo PVEP đưa ra thông điệp.
|
"Dịch chuyển kinh doanh" là cụm từ đã được lãnh đạo ngành Dầu khí đưa ra để ứng phó với suy giảm giá dầu Ảnh: PetroVietNam
|
“Một khi giá dầu xuống 60 USD thì năm 2015 lợi nhuận toàn Tập đoàn chỉ còn 21.000 tỷ đồng”, Chủ tịch PetroVietNam Nguyễn Xuân Sơn bổ sung.
Dù không cho biết ngưỡng hòa vốn của ngành khai thác dầu Việt Nam chính xác là bao nhiêu nhưng ông Sơn khẳng định, trong chuyến công tác Hàn Quốc mới đây, lãnh đạo công ty dầu khí lớn nhất nước này cũng thừa nhận hoạt động sản xuất của họ rất khó khăn khi giá dầu xuống dưới 60 USD thời gian qua.
Theo người đứng đầu ngành dầu khí, trong bối cảnh giá dầu xuống thấp, ngoài việc cắt giảm chi phí sản xuất - điều đương nhiên phải làm - thì vấn đề quan trọng hơn với PetroVietNam là tính đến các phương án “dịch chuyển kinh doanh”.
“Phải thấy được trong bối cảnh này đầu tư vào mô hình nào để giảm rủi ro; phân bổ nguồn lực ra sao để đưa ra các phương án tài chính với một tầm nhìn ít nhất cho 5 năm tới”, ông Sơn nói.
Tổng giám đốc Đỗ Văn Khạnh cho hay, trong tình hình hiện nay nhiều quốc gia có tiềm lực đang thực hiện chiến lược mua lại các mỏ dầu, mà đi đầu là Trung Quốc, họ thậm chí đang nhắm đến các mỏ đá phiến của Mỹ.
Nhấn mạnh đây là thời điểm tốt để mua vào hoặc gia tăng hoạt động tìm kiếm nhằm tạo lợi thế trong tương lai, ông Khạnh nói rằng “vấn đề là Tập đoàn có mở hầu bao để PVEP đẩy mạnh chính sách này hay không” mà thôi.
Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn lưu ý, tương lai của PetroVietNam không thể mãi đặt nặng lên vai khối thăm dò khai thác. “Nếu kịch bản xấu xẩy ra, giá dầu xuống 40 USD mỗi thùng mà ta chỉ có khai thác thì sao xoay xở được”, ông nói và lo ngại điều này sẽ khiến ngành dầu khí không còn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc gia.
“Bởi khi đó, khai thác mà thua lỗ tức là làm âm GDP chứ đâu còn đóng góp cho tăng trường”, vị này nhìn nhận. Không loại trừ giá dầu tiếp tục đi xuống, nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn lạc quan nhìn thấy cơ hội trong đó.
Một ví dụ được ông Sơn dẫn ra là cùng với sự đi xuống của giá dầu, giá các dịch vụ đi kèm cũng bắt đầu hạ nhiệt. So với định mức xây dựng đầu năm, thời điểm này chi phí tại mỏ Cá Voi Xanh – mỏ khí lớn được cho là có trữ lượng lớn nhất Việt Nam - theo cập nhật của PetroVietNam đã giảm đến 30%.
“Đây là cơ hội để ngành dầu khí Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường thế giới. Tập trung vào các hộ tiêu dùng lớn nội địa, cũng là để phục vụ tốt hơn nền kinh tế trong nước như khai thác khí cho sản xuất đạm, điện”, ông Sơn khẳng định.
Trao đổi với báo chí tại buổi họp báo chiều 30/12, lãnh đạo PetroVietNam cho biết trong năm 2015, tập đoàn đặt mục tiêu khai thác 26,6 triệu tấn dầu quy đổi, thấp hơn khoảng 1 triệu tấn so với mức thực hiện của 2014.
Doanh nghiệp đặt ra 3 kịch bản khi giá dầu trung bình ở mức 60, 80 và 100 USD một thùng. Doanh thu theo đó sẽ dao động trong khoảng 610.000-718.400 tỷ đồng, trong khi số tiền nộp vào ngân sách khoảng 104.000-159.000 tỷ đồng. Năm 2014, các con số nêu trên lần lượt là 745.500 tỷ và 178.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất của doanh nghiệp đạt 46.000 tỷ.
|
Chí Hiếu