Mặc dù đồng tình việc phải quản lý chặt giá cả thị trường, song nhiều ý kiến cho rằng, việc làm này... hơi thừa. Thừa ở chỗ, không cần các Sở tài chính phải can thiệp, ngay khi có quyết định tăng giá xăng dầu, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải hoặc sản xuất kinh doanh có sử dụng nhiều nhiên liệu từ xăng dầu cũng đã tự điều chỉnh, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, tiết giảm mọi chi phí... để tránh tăng giá sản phẩm dịch vụ.
Bởi trong bối cảnh lòng tin của người tiêu dùng đang suy giảm, sức mua yếu như hiện nay, việc tăng giá cũng đồng nghĩa DN đang “tự giết chết mình”. Đó chính là lý do, hiện nhiều hãng taxi cũng như DN vận tải vẫn chưa có động thái tăng giá vì còn đang cân đối lại bài toán chi phí.
Một quan chức Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, trong điều kiện nhu cầu vận chuyển đang giảm mạnh, nên sẽ không dễ dàng điều chỉnh tăng giá do các DN đang phải cạnh tranh gay gắt để giành thị phần. Tuy nhiên, trước nguy cơ thua lỗ kéo dài, việc tăng giá cước vận chuyển sẽ là tất yếu.
Hay như việc yêu cầu các Sở phải thường xuyên theo dõi, nắm tình hình diễn biến giá cả thị trường và kịp thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố có biện pháp thích hợp để bình ổn giá theo quy định của pháp luật. Cứ chiểu theo yêu cầu này, thay vì bình ổn giá xăng, rất có thể sẽ phải bình ổn giá mặt hàng khác (?!).
Song khó nhất là yêu cầu giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá; kiên quyết dừng các trường hợp đăng ký tăng giá không do tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu, tăng giá cao hơn tỷ lệ tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu vừa qua...
Lẽ đương nhiên, những ngành nghề, lĩnh vực sử dụng nhiều xăng dầu như: vận tải, khai thác thủy hải sản xa bờ... sẽ chịu tác động lớn nhất. Thế nhưng, xăng dầu còn ảnh hưởng lớn tới quá trình phân phối, lưu thông hàng hóa. Vì thế, việc tăng giá xăng dầu sẽ tác động đến tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực chứ không riêng gì những ngành nghề sử dụng nhiều xăng dầu.
Đơn cử, hiện rau xanh cung cấp cho đô thị lớn đều được lấy từ các địa phương lân cận. Việc giá xăng tăng đẩy chi phí vận chuyển tăng tất yếu sẽ được các thương nhân “chiết khấu” vào giá bán.
Không những thế, xăng dầu còn là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nên việc tăng giá xăng dầu có tác động lớn đến kỳ vọng lạm phát của người dân, trong đó có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh cá thể. Nên sẽ khó tránh được việc các hộ kinh doanh cá thể sẽ tăng giá sản phẩm, dịch vụ để đạt được mức lợi nhuận tương ứng với mức lạm phát kỳ vọng này.
Cũng chính bởi vậy, khi xăng dầu tăng giá thường kéo theo một vòng xoáy tăng giá khác. Ngay cả các chuyên gia thống kê, khi tính tác động của việc tăng giá xăng dầu, cũng chia làm nhiều vòng cũng vì lẽ đó.
Đó là chưa kể, nhiều ý kiến còn lo ngại giá điện cũng sẽ tăng theo giá xăng dầu do các nhà máy điện ở miền Nam đang đứng trước khả năng rất lớn phải chạy dầu để đảm bảo điện cho mùa khô. Nếu điều này xảy ra, vòng xoáy tăng giá sẽ được khuếch đại lớn hơn nhiều.
Xem ra, yêu cầu các Sở tài chính quản lý giá cả thị trường sau khi Liên bộ Tài chính - Công Thương cho phép tăng giá xăng dầu chẳng khác nào “thả gà ra mà đuổi”.
Theo Minh Trí