Ba vấn đề lớn mà DN xuất khẩu gạo đang nhắm đến thị trường châu Phi cần cân nhắc đó là: cần tìm hiểu cụ thể và chính xác thông tin đối tác, nên chọn hình thức mua đứt bán đoạn và không nên chủ quan nghĩ rằng, vì nhu cầu tiêu thụ lớn, mà thị trường châu Phi là nơi tiêu thụ gạo thứ cấp. Đây là cảnh báo của nhiều chuyên gia tại buổi tọa đàm giới thiệu thị trường châu Phi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh mới đây.
Theo ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện nay châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới, với nhu cầu khoảng trên 9 triệu tấn gạo/năm. Trong đó, lượng gạo nhập khẩu vào khoảng 6,5 triệu tấn/năm. Những quốc gia xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường này hiện nay là Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Myanmar và Việt Nam. Riêng Việt Nam, năm 2012 đã xuất khẩu sang các nước châu Phi trên 1,2 triệu tấn gạo. Gạo Việt Nam hiện có mặt tại 30/55 nước châu Phi.
Từ đầu năm 2013, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo vào một số thị trường lớn của châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana và Senegal… Trong điều kiện xuất khẩu gạo hiện nay, thì việc mở rộng thêm thị trường châu Phi là một hướng đi mới tích cực.
Bởi, nhìn chung các nước khu vực châu Á từng nhập khẩu gạo Việt Nam cho thấy, từ năm 2013 chính sách thu mua lúa với giá cao ở Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia và Philippines đã khuyến khích nông dân các nước này thâm canh mở rộng diện tích trồng lúa, dẫn đến việc tiêu thụ gạo nhập khẩu giảm. Bởi vậy việc tìm kiếm, thâm nhập thị trường mới như châu Phi là một biện pháp tốt, về lâu dài đây là thị trường có tiềm năng tiêu thụ. Tuy nhiên, DN xuất khẩu cũng không nên chủ quan, bởi thị trường này cũng còn rất nhiều rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Tuấn – Phó Phòng Giao dịch quốc tế - VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, nhiều DN xuất khẩu Việt Nam muốn làm ăn với đối tác châu Phi, nhưng còn nhiều trở ngại do thiếu thông tin về đối tác, về văn hóa kinh doanh, hình thức thanh toán. Thứ nữa, là nhiều nhà nhập khẩu bên phía châu Phi năng lực tài chính hạn chế, nên họ thường đề nghị mua gạo trả chậm từ 30 - 90 ngày, hình thức CIF (giao hàng tại cảng đến) và không mở L/C (do chi phí cao).
Một số DN xuất khẩu gạo Việt Nam cho rằng, mặc dù rất nhiều khách hàng từ châu Phi đề nghị mua gạo theo hình thức CIF, nhưng vẫn phải từ chối vì sợ rủi ro và thanh toán phức tạp. Thậm chí có khách hàng trả trước 30% giá trị hợp đồng, nhưng không mở L/C, DN xuất khẩu cũng đành thôi. Một khó khăn khác, là hiện nay xuất khẩu gạo sang châu Phi phải qua trung gian, nên giá gạo bị đẩy lên cao, dẫn đến khó cạnh tranh tại thị trường này so với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Ấn Độ…
Tuy nhiên, trong lúc Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang xúc tiến các chương trình hợp tác về gạo, bảo lãnh thanh toán... thì việc xuất khẩu gạo qua các nước trung gian vẫn phải tiếp tục để giải quyết lượng gạo cần bán. Mặt khác về phía DN, cũng cần lưu ý không nên xem thị trường châu Phi là nơi chỉ tiêu thụ gạo phẩm cấp thấp.
Đây là quan niệm rất sai lầm. Bởi ngoài loại gạo 25% tấm, hiện các nước Tây Phi còn có nhu cầu rất lớn về gạo thơm, gạo 5% tấm của Việt Nam, do giá cạnh tranh hơn so với gạo cùng loại của Thái Lan. Đây chính là phân khúc sản phẩm DN nên tập trung xuất khẩu sang thị trường châu Phi trong giai đoạn hiện nay.
Được biết để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu gạo, từ đầu năm 2013, Bộ Công Thương và VCCI đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại tại một số quốc gia châu Phi (Bờ Biển Ngà, Senegal, Cameroun, Ghana, Nigeria, Algeria...) để tìm kiếm cơ hội cho DN hai bên tiếp xúc trực tiếp, nhằm tìm giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi.
Theo Thanh Thanh