Sức mua giảm mạnh
Tại cửa hàng VLXD Tiến Thành nằm trên đường Nguyễn Thị Tú, cạnh Khu hành chính mới của phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, hàng chục bao xi măng, gạch ốp lát... chất cao trong kho, bên cạnh đống thép đủ kích cỡ đang ngả màu hoen gỉ. Bà chủ cửa hàng Phạm Thị Thành cho biết, số VLXD này được nhập về từ giữa tháng 9, nhằm đón đầu kinh doanh, phục vụ mùa xây dựng cuối năm nhưng do sức mua yếu nên chưa bán được.
Chỉ tay về phía những lô đất còn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm trong khu vực hành chính phường Bình Hưng Hòa B, bà Thành nói: “Các năm trước, khu vực này còn có nhà xây dựng tương đối nhiều nhưng từ đầu năm đến nay chỉ lác đác một vài căn. Chúng tôi buôn bán chỉ kỳ vọng những tháng cuối năm nhưng tình hình thế này xem như phải “ôm nợ” do hàng để càng lâu càng chôn vốn, thậm chí hư hỏng phải bán tháo”. Theo bà Thành, so với thời điểm này của năm trước, sức mua VLXD năm nay giảm 40%-50%.
Tương tự, các khu vực có nhiều khu dự án như Ngã Ba Giồng, huyện Hóc Môn, Khu hành chính mới quận 12, huyện Bình Chánh... đều rất ít công trình được xây dựng. Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc DNTN Bình Sơn, chuyên kinh doanh VLXD trên QL 22 phường Hiệp Thành, quận 12 cho biết, sức mua VLXD càng về cuối năm càng đìu hiu, ế ẩm. Đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong ngành cung ứng VLXD. “Mấy chục năm kinh doanh VLXD, tôi chưa bao giờ thấy thị trường khó khăn như lúc này. Dù đã vào mùa xây dựng rồi nhưng vẫn chưa có dấu hiệu tăng cường mua bán gì cả. Tình hình thế này, doanh nghiệp chưa biết phải lo tiền lương, thưởng tết thế nào cho nhân viên”, ông Mười rầu rĩ nói.
Để ứng phó với tình hình kinh doanh trước nguy cơ lỗ nặng, hiện nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công, thanh lý bớt phương tiện như xe tải...
Tồn kho gia tăng
Báo cáo mới nhất của Hội VLXD Việt Nam cho thấy, riêng ngành gốm sứ xây dựng, tính cả lượng tồn kho lũy kế tại các đơn vị sản xuất và từ các đại lý tăng tới 20% từ đầu năm đến nay. Cụ thể, hiện lượng hàng tồn khoảng 40 triệu m2 gạch ốp lát, trên 1 triệu sản phẩm sứ vệ sinh tương đương trên 3.000 tỷ đồng. Đối với VLXD không nung, các dây chuyền sản xuất bê tông nhẹ mới chỉ đạt từ 10% - 20% công suất. Ngành sản xuất đá ốp lát, cả nước có 8 trung tâm khai thác đá ốp lát, năng lực sản xuất 10 triệu m2 sản phẩm/năm nhưng đã có khoảng 50% xí nghiệp phải dừng sản xuất, hàng vạn lao động mất việc làm.
Ngành sản xuất thủy tinh xây dựng cũng gặp vấn đề lớn khi 4 nhà máy kính nổi sản xuất khoảng 273.000 tấn nhưng chỉ tiêu thụ được 191.000 tấn. Tương tự, năm 2012, toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 72 triệu tấn/năm, năng lực khai thác dự kiến đạt 64-65 triệu tấn/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến chỉ đạt khoảng 47-48 triệu tấn/năm, phấn đấu xuất khẩu 7-8 triệu tấn/năm và có khoảng 10 triệu tấn công suất sẽ dư thừa. Chưa kể, theo kế hoạch, năm 2013 sẽ có thêm 6 nhà máy xi măng chính thức đi vào hoạt động, với tổng công suất 6,72 triệu tấn/năm.
Còn theo thống kê của ngành thép, kế hoạch hoạt động của toàn ngành thép trong năm 2012 là tăng sản xuất từ 3% - 4%. Tuy nhiên, trên thực thế, hoạt động sản xuất và tiêu thụ của ngành đang âm khoảng 10%, đưa lượng thép tồn kho lên 300.000 tấn. Đặc biệt trong quý 3 vừa qua cũng như dự báo những tháng còn lại của năm 2012, lượng thép tiêu thụ rất thấp so với trung bình các năm trước.
Theo Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam Trần Văn Huynh, nguyên nhân khiến sản lượng tồn kho tăng là do ảnh hưởng khó khăn chung của nền kinh tế cùng chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ như cắt giảm đầu tư công, nhiều dự án bất động sản và nhiều công trình xây dựng ngừng triển khai do thiếu vốn. Trong khi đó, giá cả nhiên liệu đầu vào tiếp tục tăng cao, lãi suất ngân hàng dù giảm song vẫn ở mức cao, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được với nguồn vốn... Ngoài ra, vấn đề cạnh tranh với hàng VLXD nhập khẩu như thép... cũng là nguyên nhân khiến thị trường trong nước tiêu thụ tiếp tục sụt giảm, gia tăng tồn kho.
Để giải bài toán tồn kho VLXD trước mắt cũng như về lâu dài, Hội VLXD và Hiệp hội Thép, xi măng... vừa có kiến nghị Chính phủ, bên cạnh việc hạ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ... cần có chính sách kích cầu tích cực. Cụ thể, các công trình xây dựng phải sử dụng VLXD trong nước, hạn chế tối đa nhập khẩu. Trong đó, những công trình từ nguồn vốn ngân sách, vốn vay nước ngoài cần tận dụng, ưu tiên dùng sản phẩm trong nước; tránh để phần lớn thị phần rơi vào doanh nghiệp, hàng nhập ngoại như lâu nay.
Bên cạnh đó, hướng vào thị trường bên ngoài, gắn với xúc tiến thương mại và đầu tư. Trước mắt, cần chấn chỉnh, chấm dứt tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phân tán, bị nước ngoài ép giá. Đối với các doanh nghiệp, giải pháp quan trọng nhất là phải khơi dậy được lòng tin của người tiêu dùng đối với thị trường thông qua giá cả, chất lượng sản phẩm... Bởi khi người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn, thị trường sẽ được khơi thông và hàng tồn kho sẽ được giải phóng.
Theo Lạc Phong
SGGP