Tại khu vực Hồ Giám (phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa), nhằm “tranh thủ” lượng người đi “xin chữ” các ông đồ đầu năm, hàng loạt điểm trông xe tự phát đã mọc lên như nấm. Giá cả gửi mỗi chiếc xe máy dao động từ 20 đến 30 nghìn đồng, “không gửi thì đi chỗ khác”, như lời nói của một người trông xe.
Khi PV thắc mắc về giá cả và giấy phép hoạt động dịch vụ, người trông xe liền nạt nộ: “Tết nhất, xe cộ đông đúc, gửi thì gửi, không gửi thì đi tìm bãi nào rẻ ấy! Ai cho phép, biết để làm gì?”
Giá gửi xe máy đã vậy, nhưng giá cho ôtô còn đắt hơn nhiều lần. Thậm chí, nếu khách “chịu giá”, vẫn chưa chắc đã có chỗ gửi.
Anh Dũng, trú tại Thái Thịnh, cho hay: “Tôi lái ôtô vòng quanh mấy lần rồi mà vẫn không có bãi gửi. Có lẽ phải cho vợ con vào xin chữ, còn mình tiếp tục lái … vòng quanh”.
Ở nhiều “điểm nóng” như cửa vào Phủ Tây Hồ, khu vực đền Quán Thánh, chùa Quán Sứ, chùa Phúc Khánh…, ngay từ sáng sớm, đã có nhiều khách du xuân đến cúng bái, cầu xin đầu năm. Những khách đi lễ sớm nhất là người già hoặc trung niên.
Nguyễn Huy Sơn, sinh viên năm thứ ba Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho biết: “Em đi bán muối may mắn trong chùa Phúc Khánh đến tận tám giờ sáng. Năm nay mọi người đến lễ sớm, sáu giờ sáng dòng người bắt đầu đổ về nườm nượp”.
Cũng theo nhóm bạn trẻ đi bán muối, bán diêm này, nếu may mắn, gặp được những khách “xởi lởi”, có thể lãi từ 400 nghìn đến một triệu. Trong khi đó, số “vốn” bỏ ra cho một gói nhỏ muối – diêm này chỉ là 2 nghìn đồng.
Theo ghi nhận của PV, tối và đêm giao thừa, trên các tuyến phố, nhiều cửa hàng, quán ăn vỉa hè vẫn hoạt động bình thường. Điều đặc biệt là phần lớn những dịch vụ này không “tranh thủ” tăng giá trong đêm. Thậm chí, có nhiều quán còn treo biển quảng cáo “cam kết không lên giá đêm giao thừa”.
Tuy nhiên, trái ngược với điều này, sáng mùng 1, gần khu vực đền, chùa, miếu, nhiều dãy hàng “lưu động” đã mọc lên với giá khác hoàn toàn. Mặt hàng được bày bán là hương, hoa quả và các loại đồ cúng trang kim bắt mắt. Nếu như ngày thường, có thể dễ dàng mua được một cành hoa giả đủ màu với giá chỉ từ năm đến mười nghìn đồng, thì ngày mùng Một Tết, các “thương gia thời vụ” đã nâng giá lên 20-80 nghìn, tùy từng loại mặt hàng.
Mặc dù các mặt hàng và nhiều loại dịch vụ ngày Tết tăng giá đột biến, nhưng không hề thấy có sự can thiệp của các lực lượng chức năng. Người du xuân đành “bấm bụng” chấp nhận mức giá “đặc biệt ngày Tết” tự phát, vô lý.
Theo Linh Phan