Cuối tháng 8, McDonald’s Việt Nam mở thêm cửa hàng thứ ba tại quận 6 sau nửa năm có mặt ở Việt Nam. Trước đó, Pizza Home cũng mở thêm điểm bán tại Hà Nội…
Theo đánh giá của tổ chức nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức tăng trưởng của thị trường thức ăn nhanh Việt Nam trong thời gian qua luôn đứng ở mức 15%-17%, cho thấy thị trường này còn rất nhiều tiềm năng.
Chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho biết do sức ép từ bên bán nhượng quyền, trong hợp đồng thường có điều khoản về việc doanh nghiệp (DN) Việt phải mở được bao nhiêu cửa hàng trong một khoảng thời gian nhất định nên các DN mua nhượng quyền của McDonald’s, Subway, Pizza Hut... đều sẽ phải mở rộng số lượng cửa hàng.
Trước sự tăng trưởng của thị trường thức ăn nhanh, rất nhiều thương hiệu quốc tế đã đổ bộ vào Việt Nam.
Mặc dù những DN nổi tiếng vào Việt Nam đa số đều sử dụng nguyên liệu nội địa, họ chỉ nhập những gì mà DN Việt không sản xuất được (như một số loại sốt, phô mai…) nhưng việc trở thành nhà cung ứng cho các chuỗi thức ăn nhanh này đối với các DN Việt là điều đáng mơ ước.
“Ngoài những mặt hàng được cung cấp cho McDonald’s Việt Nam từ những ngày đầu là bánh mì, xà lách…, chúng tôi đang muốn gia tăng tỉ lệ nội địa hóa nhằm giảm chi phí vận chuyển và kiểm soát chất lượng, giá cả” - bà Lê Hà Mỹ Trâm, đại diện truyền thông của McDonald’s Việt Nam, cho biết.
Là nhà cung cấp bánh mì cho các chuỗi thức ăn nhanh hiện có ở thị trường như McDonald’s, Lotteria, KFC… ông Kao Siêu Lực, Tổng Giám đốc ABC Bakery, chia sẻ những yêu cầu tiêu chuẩn mà các DN thức ăn nhanh đưa ra là rất cao.
Ông Lực cho hay hiện nay mỗi ngày ABC Bakery cung cấp cho các chuỗi thức ăn nhanh 50.000-70.000 chiếc bánh mì, doanh thu từ việc cung ứng nguồn bánh này chiếm 35%-38% trên tổng doanh thu của công ty.
Theo TÚ UYÊN