Theo bà Phạm Thu Trang – Phó Tổng Giám đốc Dịch vụ thuế tại Ernst & Young, rắc rối về thuế mà các doanh nghiệp gặp phải thời gian qua có một phần nguyên nhân đến từ những chính sách chưa rõ ràng, nhất quán.
Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp vướng phải các rắc rối liên quan đến thuế, trong đó có cả những đơn vị có tên tuổi, vốn nhà nước hoặc thuộc hàng blue-chip niêm yết trên thị trường như Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh hay các công ty xăng dầu. Trao đổi với VnExpress.net, bà Phạm Thu Trang – Phó tổng giám đốc Dịch vụ Thuế tại Ernst & Young Việt Nam cho biết các vướng mắc nêu trên không chỉ diễn ra trong nước mà còn phổ biến khắp nơi trên thế giới. Bà Trang cũng cho rằng một trong những yếu tố cần thiết lúc này là luật thuế Việt Nam nên dễ hiểu, nhất quán hơn.
|
Bà Phạm Thu Trang - Phó tổng giám đốc Dịch vụ Thuế tại Ernst & Young Việt Nam.
|
- Với hàng loạt vướng mắc về truy thu thuế đối với các doanh nghiệp Việt Nam xảy ra trong thời gian qua, theo bà đâu là nguyên nhân chính?
- Tôi nghĩ chuyện doanh nghiệp bị truy thu thuế không phải vấn đề quá trầm trọng. Nếu xem xét kỹ, luật thuế Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Hướng cơ quan thuế nhìn nhận vấn đề cũng như cách tiếp cận doanh nghiệp cũng có sự thay đổi. Do vậy, không phải chỉ ở Việt Nam mà cả những quốc gia khác trên thế giới cũng có khoảng cách nhất định giữa cách hiểu của người nộp thuế với cơ quan thuế.
Hiện giờ, các công ty vẫn được trao quyền tự kê, tự nộp nhưng rất khó để thực hiện đầy đủ, tuân thủ 100% như yêu cầu từ cơ quan thuế. Việc cơ quan thuế tiến hành truy thu thuế thêm đối với các doanh nghiệp theo đó là rất phổ biến.
Nguyên nhân sâu xa tôi nghĩ là luật không thể cụ thể hóa 100% cho tất cả mọi tình huống. Hơn nữa, luật thuế ở một đất nước với nền kinh tế vẫn đang phát triển như Việt Nam cũng luôn phải thay đổi để bắt kịp nhịp độ. Khi luật pháp thay đổi, bản thân doanh nghiệp lại không thể nắm bắt đầy đủ và kịp thời những quy định mới dẫn đến kê khai thuế chưa đúng nên mới bị truy thu.
- Đa phần công ty gặp vướng mắc chủ yếu liên quan đến các đợt ưu đãi thuế . Vậy bà có nhận xét thế nào đối với vấn đề này của các doanh nghiệp?
- Chính sách ưu đãi thuế thu nhập cho các doanh nghiệp mang tính thời điểm. Chính phủ đưa ra những chính sách như vậy là để khuyến khích đối tượng nộp thuế trong một số bối cảnh nhất định nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế của giai đoạn đó. Do vậy, chính sách ưu đãi chỉ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định, sau đó có thể bị sửa đổi hoặc không còn hiệu lực.
Thông thường, việc xác định điều kiện ưu đãi cũng như hiệu lực áp dụng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các luật không chỉ khiến doanh nghiệp bối rối, mà ngay cả người thực thi và các cán bộ thuế cũng có thể có cách hiểu hoặc quan điểm khác nhau. Chính sách thay đổi sẽ dễ dàng dẫn đến nhiều hiểu lầm. Tôi nghĩ đây cũng là điều đôi khi doanh nghiệp phải chấp nhận. Quan trọng là phải có các biện pháp để giảm rủi ro.
- Vậy theo bà, doanh nghiệp cần làm gì để bảo vệ quyền lợi khi vướng phải rắc rối với thuế?
- Tôi cho rằng để giảm thiểu rủi ro bị truy thu thuế, nếu có những vướng mắc, băn khoăn khi áp dụng chính sách thuế thì doanh nghiệp nên trao đổi cũng như thỏa thuận trước với cơ quan thuế thông qua hình thức công văn. Như vậy, môi trường hoạt động của doanh nghiệp ổn định hơn, đồng thời cũng yên tâm để tập trung vào sản xuất kinh doanh.
Đối với một số công ty đại chúng hoặc niêm yết quy mô lớn, vấn đề truy thu thuế còn tác động về mặt dư luận vì còn liên quan đến cổ đông. Bản thân lãnh đạo doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước hàng trăm ngàn nhà đầu tư do ảnh hưởng đến quyền lợi và giá trị công ty. Do vậy, đối với các đơn vị này, vấn đề quản trị rủi ro về thuế cần được ban lãnh đạo quan tâm và triển khai thực hiện.
- Ở nước ngoài, một doanh nghiệp gặp rắc rối về thuế có cách xử lý khác biệt thế nào với Việt Nam, thưa bà?
- Nhiều doanh nghiệp lớn hoạt động khắp thế giới như Facebook, Google cũng từng bị lên án vì hoạt động ở nhiều nơi với doanh thu cao nhưng lại đóng thuế thấp. Bản thân đại diện các công ty này cũng phải ra tường trình trước quốc hội và giải thích lý do.
Tôi nghĩ lợi ích giữa một bên là người nộp và một bên thu thuế bao giờ cũng có sự xung đột nhất định. Tuy nhiên, môi trường tốt phải là nơi Chính phủ thể hiện các chính sách của mình minh bạch nhất, dễ dàng thực thi và tạo ra kênh đối thoại với doanh nghiệp. Như vậy, người nộp và thu thuế mới có sự thấu hiểu lẫn nhau, các công ty cảm thấy có sự trợ giúp từ phía Chính phủ và giúp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư của các nước khác vào Việt Nam.
- Bà cho rằng luật thuế Việt Nam cần những thay đổi thế nào để phù hợp theo nhu cầu phát triển?
- Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực và luôn có những cải cách về thuế cũng như thủ tục hành chính trong các năm qua. Cụ thể, các doanh nghiệp được trao quyền tự chủ trong việc xác định nghĩa vụ nộp thuế.
Tôi nghĩ hướng đi như vậy nên được tiếp tục vì khi nền kinh tế ngày càng phát triển và có nhiều giao dịch, các chính sách thuế cũng nên nắm bắt thêm những xu hướng mới. Các quốc gia khác cũng sử dụng thuế như một công cụ để thu hút đầu tư và thực hiện hiện chiến lược kinh tế. Một trong những yêu cầu đối với người nộp thuế là luật cần phải rất dễ hiểu, đồng thời các thay đổi phải nhất quán. Ngoài ra, tôi nghĩ cũng cần có cơ chế để khi doanh nghiệp gặp vướng mắc cũng như có các cách hiểu khác nhau, họ vẫn có thể tìm được những lời giải một cách thỏa đáng từ cơ quan chức năng.
- Một số ý kiến cho rằng đa phần các công ty tư vấn thuế thường tiếp tay, giúp doanh nghiệp "né" hoặc giảm thiểu tối đa khoản phải nộp cho ngân sách Nhà nước. Bà nhận định thế nào về quan điểm này?
- Mong muốn lớn nhất của các công ty tư vấn thuế là giúp doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước. Trong đó, việc tuân thủ ở đây phải được hiểu theo nghĩa hiệu quả. Bản thân khác doanh nghiệp cũng không muốn phải trả thuế quá nhiều một cách bất hợp lý. Do vậy, chúng tôi rất muốn cùng doanh nghiệp vừa tuân thủ thuế, nhưng cũng vừa hoạt động trên những mô hình có thể giảm thiếu chi phí và gia tăng giá trị cho công ty.
Tôi nghĩ một công ty tư vấn thuế chuyên nghiệp sẽ luôn đặt mục tiêu về nguyên tắc hoạt động là tuân thủ pháp luật. Đây là yếu tố hàng đầu giúp các đơn vị tư vấn thuế không chỉ tồn tại trong một quốc gia mà còn tính phạm vi toàn thế giới.
Tôi cho rằng ý kiến công ty tư vấn giúp doanh nghiệp “né” thuế là chưa thỏa đáng. Bởi vì trong khuôn khổ pháp luật cho phép, chúng ta có những sự lựa chọn hoàn toàn hợp pháp, lại tiết kiệm được chi phí thì cũng là điều doanh nghiệp nên làm. Khi nhà làm luật đưa ra chính sách, tôi nghĩ họ cũng đã có sẵn những ý tưởng và cho phép những doanh nghiệp hoạt động trong từng mô hình có những mức thuế như vậy. Vì thế, chúng ta không nên suy nghĩ nặng nề và cho rằng các công ty tư vấn đang giúp doanh nghiệp trốn hoặc giảm thuế một cách phi pháp.
Bà Phạm Thu Trang từng tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Nanyang - Singapore. Hiện bà là Phó tổng giám đốc Dịch vụ Thuế và Tư vấn của Ernst & Young Việt Nam tại Hà Nội.
Bà Trang có nhiều năm kinh nghiệm hỗ trợ, tư vấn khách hàng là các công ty đa quốc gia, tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp trong, ngoài nước. Lĩnh vực chủ yếu gồm vận tải, bất động sản, sản xuất và dịch vụ tài chính.
|
Tường Vi