Sau 3 tháng ngưng hoạt động, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Sông Hậu (Sohafood) đổi được giấy phép đăng ký kinh doanh để sản xuất trở lại.
Sáng 23/11, Sohafood họp báo công bố giấy phép đăng ký kinh doanh vừa được đổi mới. Nguyên giám đốc điều hành Nguyễn Tấn Thanh được HĐQT bầu làm CEO và đại diện theo pháp luật, thay bà Trần Ngọc Sương (bà Ba Sương) lãnh đạo công ty sau 3 tháng đóng cửa khiến 800 công nhân thất nghiệp.
|
Bà Ba Sương: "Tôi chỉ muốn an dân, ai có tiền trả nợ bà con thì tôi ủng hộ". Ảnh:: Duy Khang
|
Theo ông Thanh, sau đại hội cổ đông gần 2 tuần trước, ông cho người sửa chữa, bảo trì thiết bị nhà máy để ngày 25/11 mở cửa sản xuất trở lại. Ông cam kết dùng vốn cá nhân và nhờ bạn bè thân tính hỗ trợ để mua cá trong giai đoạn khó khăn, giúp Sohafood có lãi bình quân trên 1 tỷ đồng mỗi tháng. Theo kế hoạch, nợ tiền cá nông dân, tiền bao bì, hóa chất… được trả mỗi tuần 3-5 tỷ đồng.
Theo bà Ba Sương, đầu tháng 8 năm nay, bà về Sohafood làm Chủ tịch HĐQT kiêm quyền giám đốc là muốn tìm hướng giải quyết nợ nần cho nông dân chứ không phải "tham quyền cố vị". Những ngày điều hành bà giúp công ty trả nợ được hơn 10 tỷ đồng và nhận thấy đã "hoàn thành nhiệm vụ" nên từ nhiệm, chính thức giao quyền cho Chủ tịch HĐQT Trần Văn Trí (chồng doanh nhân Phạm Thị Diệu Hiền) và Tổng giám đốc Nguyễn Tấn Thanh.
"Tôi chỉ muốn an dân, ai có tiền trả nợ bà con thì tôi ủng hộ", bà Sương chia sẻ và cho biết sẽ quay về TP HCM cùng bạn bè tập trung vào Công ty TNHH Một thành viên Cô Ba Sương. Công ty này của riêng bà, chuyên chế biến nông sản theo tiêu chuẩn sạch vừa được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cấp giấy đăng ký kinh doanh.
|
Nhà máy thủy sản Sohafood im lìm nhiều tháng nay khiến 800 công nhân mất việc. Ảnh: Duy Khang
|
Trao đổi với VnExpress, ông Hồ Văn Nhướng ở quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) cho biết trước đây bán cá thiếu chịu cho Sohafood nhưng tuần nào cũng được trả gối đầu 200-300 triệu đồng nên có thể quay vòng đồng vốn. 3 tháng nay công ty trả nợ nhỏ giọt rồi ngưng luôn khiến ông không có tiền mua thức ăn cho đàn cá sắp thu hoạch gây thiệt hại lớn vì cá ốm, vỗ béo trở lại tốn kém thêm thời gian và chi phí.
"Tôi tin vào sự điều hành của lãnh đạo mới sẽ giúp bà con có đầu ra cho con cá tra, ổn định cuộc sống. Nhà máy hoạt động trở lại, con em Nông trường Sông Hậu có được việc làm, không phải đi làm thuê làm mướn như 3 tháng qua", ông Nhướng phấn khởi.
Theo bà Trần Thị Kim Chi (trưởng nhóm điều hành sản xuất), những ngày nhà máy đóng cửa không chỉ công nhân mà nhiều cán bộ khung của Sohafood phải chạy đôn chạy đáo đi xin việc. Người nào có vốn thì đi mua cá, tép bán lại cho các vựa thủy sản. Công nhân nghèo không được ai thuê làm cỏ, phụ hồ thì xin phụ bán cà phê, quán nhậu kiếm vài chục nghìn một ngày, dễ phát sinh tệ nạn xã hội.
|
Chủ tịch HĐQT Trần Văn Trí (phải) tin vào khả năng điều hành của CEO Nguyễn Tấn Thanh. Ảnh: Duy Khang
|
Trong lúc Sohafood gặp khó khăn về tài chính, nội bộ nghi ngờ lẫn nhau thì người có kinh nghiệm tái cấu trúc thành công 2 doanh nghiệp thủy sản nợ nghìn tỷ thoát khỏi bờ vực phá sản là ông Trần Văn Trí xuất hiện. Được bà Ba Sương mời về Nông trường Sông Hậu gặp gỡ nông dân bị công ty nợ tiền cá vào ngày 9/11, ông Trí trấn an bà con và 2 ngày sau người đàn ông này được HĐQT Sohafood bầu giữ chức Chủ tịch tại đại hội cổ đông.
"Tôi thấy công ty có 2 'phe' mâu thuẫn nhau. Sohafood muốn phát triển trở lại thì phải xóa bỏ tình trạng 'trống đánh xuôi kèn thổi ngược'. HĐQT và Ban giám đốc phải đoàn kết một lòng, ủng hộ Tổng giám đốc và tôi tin tưởng vào khả năng điều hành tốt của ông Thanh sẽ giúp Sohafood vượt qua khó khăn", Chủ tịch Trần Văn Trí nhấn mạnh. Ông cho biết tới đây công ty sẽ có thêm nhiều nhà máy trực thuộc sản xuất theo mô hình khép kín từ việc sản xuất, chế biến rau củ quả cho đến nuôi trồng, chế biến cá tra và các phụ phẩm liên quan để tăng thêm lợi nhuận.
Được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo của Sohafood, CEO Nguyễn Tấn Thanh dự kiến nâng công suất nhà máy thủy sản từ 45 tấn như hiện nay lên 70 tấn một ngày vào giữa năm 2014 để công nhân có thêm thu nhập khi tăng ca và nhà máy có nhiều hàng hóa xuất khẩu. Khi đó, ngoài cá tra xuất khẩu, Sohafood chế biến thêm nhiều mặt hàng thủy sản từ cá biển, bong bóng, bao tử cá.
"Giữa năm sau công ty nuôi thêm cá rô phi, đồng vốn xoay nhanh hơn, rút ngắn được một nửa so với cá tra vì loài cá này nuôi chỉ 3,5 tháng thu hoạch. Về tỷ trọng sản xuất, năm 2014 cá tra chiếm 70% nhưng sang 2015 cá rô phi 70% và cá tra chỉ còn 30%", ông Thanh tiết lộ kế hoạch để giữ vững kim ngạch xuất khẩu đạt 2-2,5 triệu USD mỗi tháng cho Sohafood.
Vị CEO 39 tuổi này cũng cam kết với HĐQT sẽ chi tiền túi 20-30 tỷ đồng làm vốn đối ứng vay tiền ngân hàng rồi cho Sohafood vay lại với lãi suất thỏa thuận để hoàn thành lộ trình trả nợ dứt điểm cho dân vào tháng 6/2014.
Duy Khang