Giá nhím giảm chỉ còn một phần mười so với thời điểm sốt nhưng đầu ra vẫn bế tắc, nhiều chủ trại nuôi nhím bỗng chốc mất hàng tỉ đồng.
Lỗ nặng do chạy theo phong trào
Thuyết phục mãi chúng tôi mới được ông Lâm (Ba “nhím”) dẫn xuống tham quan trại nhím tại Bình Chánh (TP.HCM). Ông Lâm thú thật: “Gần nửa năm nay tôi không ghé thăm trại nhím. Toàn bộ việc chăm sóc, bán buôn tôi giao cho cậu em họ định đoạt hết. Nhiều khi muốn bán quách cho khuất mắt, đỡ bận lòng nhưng bán cũng không có ai mua!”.
Đầu năm 2010, phong trào nuôi nhím nở rộ từ miền Nam lan ra các tỉnh miền Bắc rồi cả nước. Giá nhím giống tăng lên từng ngày, thậm chí theo giờ, từ 3 triệu đồng/cặp lên 7 triệu/cặp, rồi 10 triệu/cặp và dừng lại ở mức đỉnh điểm 14 triệu đồng/cặp vào tháng 7-2010. Thấy nuôi nhím hấp dẫn nên dù đang là đại gia trong lĩnh vực cơ khí, ông Lâm không ngần ngại bỏ ra hơn 5 tỉ đồng xây trại nhím bài bản với gần 250 chuồng trên diện tích 400m2đầy đủ hệ thống cung cấp nước sạch, thông gió khử mùi hôi, xử lý chất thải...
Thế nhưng đến cuối năm 2010, khi nhím sinh sản lứa đầu tiên thì cũng là lúc các thương lái vốn đông đúc vài tháng trước đó bỗng dưng mất hút. “Sốt ruột, tôi chủ động điện thoại cho từng người thì đều nhận được câu trả lời không mua hàng nữa” - ông Lâm kể. Nhím sinh sản ngày một nhiều nhưng không bán được, giá lại giảm liên tục còn 2 triệu đồng/cặp nên chỉ trong vòng một năm từ khi 250 chuồng nhím được lấp đầy, ông Lâm lỗ mất gần 4 tỉ đồng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa số trại nhím được đầu tư cuối năm 2009 trở về sau là của các đại gia kinh doanh những ngành như bất động sản, chứng khoán... có sẵn lợi thế đất đai tích lũy tại các quận huyện ngoại thành và các tỉnh vùng ven TP.HCM như Long An, Bình Dương, Đồng Nai... Tuy nhiên quyết định trở thành “nông dân” nuôi nhím theo phong trào khiến hàng tỉ đồng của họ nhanh chóng bốc hơi.
Anh Tuấn (TP.HCM) cho biết giữa năm 2010 đã bỏ ra 375 triệu đồng mua 25 cặp nhím để lập trại tại Long An. Do đang giai đoạn sốt nhím, người bán quát giá nào cũng phải mua, không quan tâm đến chất lượng nên đến cuối năm anh mới té ngửa vì trong số năm cặp bố mẹ thì có tới bốn cặp nhím rừng, nuôi một thời gian chúng chỉ thích cắn lông nhau chứ không chịu đẻ.
Từ tham vọng mở rộng trại ra hàng ngàn cặp để cung cấp ra miền Bắc, chỉ sau sáu tháng hoạt động anh Tuấn đã phải chuyển hướng sang... nuôi ếch vì nhím số thì không đẻ, số còn lại bán không được vì chẳng còn ai mua.
Do tâm lý?
Giữa năm 2010, chúng tôi từng chứng kiến cảnh thương lái từ các tỉnh phía Bắc đổ xô vào Nam tranh mua nhím. Để mua được hàng, thương lái không ngần ngại ứng trước tiền từ lúc nhím mang thai. Ban đầu các thương lái chỉ mua nhím giống hai tháng rưỡi tuổi với trọng lượng gần 1kg/con để chuyển ra Bắc. Nhưng sau đó, do nhu cầu quá lớn nên các thương lái hạ dần thời gian mua nhím con xuống còn hai tháng, thậm chí nhím mới sinh một tháng cũng được họ mua gom bằng hết.
Ông Đỗ Công Vĩnh, chủ trại nhím Công Vĩnh (TP.HCM), cho biết nguyên nhân khiến các thương lái dừng mua do thời điểm “sốt nhím” họ săn lùng nhím giống một tháng tuổi không đảm bảo sức khỏe nên tỉ lệ sống đạt rất thấp. Người nuôi tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung thận trọng không nuôi nhím nữa, giá nhím giống quay đầu giảm từ 14-15 triệu đồng xuống còn 7-8 triệu đồng/cặp, rồi rơi tự do xuống còn 2 triệu đồng/cặp như hiện nay. Nhím bố mẹ từ 30-32 triệu đồng/cặp đến nay không ai hỏi mua về cho sinh sản, một vài nhà hàng trả giá chỉ trên 100.000 đồng/kg.
Các chuyên gia về động vật hoang dã đã cảnh báo từ năm 2010 rằng giá nhím thời điểm đó bị đẩy lên quá cao vì đang có phong trào nuôi, người ta chỉ tập trung vào nuôi rồi bán con giống. Thị trường nhím chỉ thật sự bền vững khi hình thành thị trường tiêu thụ thịt nhím. Thế nhưng đến bây giờ hầu hết các nhà hàng vẫn chưa có món này trong thực đơn. Ông Nghĩa, chủ nhà hàng Nghĩa Phát 2 (đường Thép Mới, Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết ông nhận được khá nhiều lời đề nghị cung ứng nhím thương phẩm với giá chưa đến 150.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, hầu như khách hàng không mấy ai hỏi đến món nhím do họ mặc định nhím là món ăn “xa xỉ”. “Đại đa số thực khách không biết đến món nhím do tâm lý nhím là loại rất đắt tiền”. Ông Vĩnh cũng thừa nhận thử chào hàng một số nơi nhưng đa số họ từ chối, có nơi nhận cũng chỉ mua khoảng một vài con khi có khách yêu cầu. Tuy nhiên ông Vĩnh cho rằng tình cảnh của người nuôi nhím hiện nay chỉ là tạm thời khi người nuôi mất niềm tin.
Ông Vĩnh cho biết năm 2009 giá chồn hương bán cho nhà hàng là 550.000 đồng/kg, giá nhím 350.000 đồng/kg trong khi con dúi chỉ có 120.000 đồng/kg, nhưng đến nay giá dúi là 420.000 đồng/kg, còn giá chồn hương lên đến cả triệu đồng/kg. Do đó giá nhím đang quá rẻ trong khi thịt nhím và dạ dày nhím có giá trị về chữa bệnh hơn hẳn hai loại thịt kể trên. “Khi người ta nhận thấy giá nhím không đắt như họ vẫn nghĩ lâu nay thì lượng tiêu thụ sẽ tăng lên, giá nhím sẽ trở về với giá trị thật của nó” - ông Vĩnh nhận định.
Mất tiền dưỡng già vì nuôi nhím
Gom góp được 40 triệu đồng tiền dành dụm cho tuổi già, vợ chồng ông Hòa (Q.Thủ Đức, TP.HCM) mua hai cặp nhím giống. Theo tính toán của vợ chồng ông Hòa, mỗi năm một cặp nhím có thể đẻ hai lứa (2 con/lứa) nên chỉ cần một năm là lấy lại vốn. Tuy nhiên, nuôi hơn năm trời chỉ một cặp nhím sinh sản vì cặp nhím kia là hai con... đực. Đến nay vợ chồng ông chỉ bán được cặp nhím con duy nhất với giá 3 triệu đồng. “Nhìn thấy nhím là ngao ngán nhưng bán tống đi thì coi như mình mất trắng nên ráng giữ lại để còn mong gỡ gạc. Thôi thì cứ coi như nuôi làm... kiểng cho vui vậy!” - ông Hòa tự an ủi.
|
Theo Lê Sơn - Trần Mạnh
Tuổi trẻ