Được kỳ vọng sẽ chiếm tới hơn 40% tỷ trọng giá trị trong cơ cấu toàn ngành Nông nghiệp vào năm 2020, ngành Chăn nuôi đang đứng trước nhiều bắt buộc phải thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Một trong những yêu cầu thay đổi trước mắt mà ngành đang gặp là phải hạ được giá thànhthức ăn chăn nuôi (TACN) hiện nay. Theo tính toán của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), TACN đang chiếm tới 70% trong cơ cấu thành phần tạo nên giá của sản phẩm chăn nuôi.
Theo Hiệp hội TACN Việt Nam, hiện Việt Nam tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn TACN/năm, nhưng chúng ta phải nhập tới 9 triệu tấn nguyên liệu TACN, tương đương 72% số nguyên liệu TACN phải nhập ngoại.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang lãng phí nguồn nguyên liệu từ lúa gạo để chịu cảnh “bán rẻ, mua đắt” khi ồ ạt xuất khẩu gạo mà không liên kết với ngành sản xuất TACN trong nước.
Lý giải về hiện tượng này, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT cho biết, nếu nói dùng nguồn nguyên liệu từ trồng trọt trong nước hiện nay để có thể thay thế 100% nguyên liệu TACN nhập khẩu thì không chính xác. Cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu TACN hiện nay bao gồm nhóm các nguyên liệu giàu năng lượng (như ngô, đậu tương...) và nhóm thức ăn bổ sung (thường gọi là Premix).
Nhóm thức ăn bổ sung hiện nay không sản xuất được tại Việt Nam nên việc nhập khẩu được coi là tất yếu. Tuy nhiên, nhóm thức ăn giàu năng lượng được các chuyên gia đánh giá hoàn toàn có thể chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ nếu tăng sản lượng các cây trồng như ngô, đậu tương...
Tạo vùng nguyên liệu căn cơ
Theo thống kê của Cục Trồng trọt, hiện nay chúng ta có hơn 1 triệu ha trồng ngô trên cả nước với năng suất trung bình khoảng 4 tấn/ha. Diện tích trồng đậu tương khoảng 100.000 ha với năng suất khoảng 1,2 tấn/ha... So với nhu cầu thực tế trong sản xuất TACN hiện nay thì những con số này còn quá khiêm tốn, đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp sản xuất TACN phải nhập khẩu lượng lớn ngô và đậu tương như hiện nay.
Một trong những yếu tố khiến giá thành nguyên liệu TACN khó có thể "hạ nhiệt" ngay cả khi dùng nguyên liệu trong nước chính là việc tốn chi phí tổ chức thu mua. Hiện nay việc thu mua nguyên liệu chủ yếu qua thương lái đầu tư xe trọng tải lớn đến thu mua tại chân ruộng. Các nhà máy sản xuất TACN không đủ lực lượng thu mua nên thường phải gom hàng qua đội ngũ này, như vậy giá thành nguyên liệu cũng đã độn lên ngay ở khâu này.
Ông Lee Swee Heng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Wilmar Agro Việt Nam, một đơn vị chuyên kinh doanh cám gạo nhận định: Thực tế việc trồng trọt ở Việt Nam còn manh mún nên khiến việc thu mua nguyên liệu làm cám gạo tốn rất nhiều chi phí của doanh nghiệp, chưa nói đến việc xây dựng cơ sở chế biến và sản xuất TACN từ cám gạo tại nội địa đòi hỏi đầu tư rất lớn.
Giám đốc của Wimar Agro cũng kiến nghị, để có được nguồn nguyên liệu tại chỗ, Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan phải làm việc với nhau để có những chính sách khuyến khích nông dân sản xuất quy mô lớn, tạo nguồn cung ổn định, có chất lượng. Như vậy mới tránh được tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay.
Nhìn nhận được thực tế này, Bộ NNPTNT đã đưa ra định hướng trong việc tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng khuyến khích trồng ngô, đậu tương. Cùng với đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học đối với các cây trồng này để có thể đạt sản lượng và chất lượng vượt bậc.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng đang điều chỉnh vật nuôi theo hướng tăng tỷ trọng vật nuôi là gia cầm. Lý do là thịt gia cầm đang ngày được ưa chuộng, vòng quay một lứa nuôi nhanh, dễ tái đàn hơn gia súc nên gia cầm dễ tiêu thụ các sản phẩm phụ phẩm từ trồng trọt tại chỗ hơn gia súc.
Thay đổi song hành này của ngành Nông nghiệp sẽ là cách lấy lại thăng bằng cho thực tế bấp bênh hiện nay của ngành chăn nuôi khi giá thành phục thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu nguồn nguyên liệu và sản xuất thức ăn.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa được điều này với sức người và diện tích đất hữu hạn, ngành Nông nghiệp cần tìm một yếu tố khác để có thể đảm bảo các ngành hàng bắt kịp những biến động của thị trường...
Theo Đỗ Hương