Kể từ quí 3/2012, giá vàng thế giới bắt đầu xu hướng giảm do nhu cầu vàng trong cùng thời kỳ đã giảm gần 11% xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế tăng chậm dần tại Trung Quốc đã làm giảm nhu cầu mua vàng tại quốc gia này vốn gia tăng từ năm 2009 và nhu cầu về vàng tại Ấn Độ suy giảm do giá vàng tính theo rupee tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay khi chính phủ Ấn Độ tăng cường các biện pháp giảm nhập khẩu vàng.
Đợt giảm giá tiếp theo xuất hiện sau ngày 16/01/2013, khi NHTW Đức (Bundesbank) thông báo kế hoạch rút một phần vàng vốn đang được gửi tại các NHTW nước ngoài trong thời kỳ chiến tranh lạnh nhằm đề phòng sự tấn công từ Liên Xô.
Có một số nguyên nhân dẫn đến động thái này, nhưng nổi bật là do Tòa án Liên bang muốn kiểm kê và xác định chính xác lượng vàng mà Bundesbank đang gửi tại nước ngoài, khi lượng vàng giảm từ đỉnh cao 4.000 tấn vào năm 1968 xuống gần 3.400 tấn vào năm 1973 do CHLB Đức chuyển giao một phần vàng cho các tổ chức quốc tế, bao gồm IMF và ECB. Mục tiêu của Chính phủ Đức là tăng tỉ lệ vàng tại kho tiền của Bundesbank lên khoảng 50% vào năm 2020 từ tỉ lệ 30,6% hiện nay. Trong đó, rút toàn bộ 374 tấn vàng (11%) đang gửi tại NHTW Pháp do không cần phải đề phòng khủng hoảng tiền tệ khi hai nước đều là thành viên của khu vực đồng tiền chung euro.
Động thái của CHLB Đức cũng khiến giới đầu cơ quan tâm và lật lại quá khứ, khi lượng vàng dự trữ của CHLB Đức đã tăng vọt từ con số 0 sau thế chiến hai lên 4.000 tấn trong một thời gian chóng vánh. Trong bối cảnh kinh tế Đức tiếp tục cải thiện, Bundesbank có thể sẽ giảm dự trữ vàng để đầu tư vào sản xuất thực.
Tuy nhiên, yếu tố có quan hệ trực tiếp đến giá vàng thế giới là sản lượng dầu tại Mỹ tăng mạnh từ tháng 5/2012 đang giảm dần mức độ phụ thuộc của quốc gia này vào lượng dầu nhập khẩu, giá dầu thế giới có xu hướng ổn định hơn mặc dù có thể đứng ở mức cao khi các nước xuất khẩu dầu mỏ cắt giảm lượng dầu khai thác, trong khi diễn biến giá vàng thường gắn với sự chao đảo của giá dầu. Một yếu tố quan trọng tác động đến giá vàng là kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi vững chắc hơn và lãi suất thực tăng dần, việc chuyển từ vàng sang tiền tệ và những tài sản khác sẽ cho lợi nhuận cao hơn.
Bên ngoài nền kinh tế Mỹ, chính sách nới lỏng tiền tệ tại Nhật Bản dưới thời thủ tướng mới Shinzo Abe cũng đang tạo kỳ vọng là sẽ có tác động chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài 1 thập kỷ qua, và lãi suất theo đó sẽ tăng lên. Tiếp đó, tuyên bố do ECB đưa ra ngày 18/02/2013 về khả năng chấm dứt thời kỳ lãi suất thấp đang tạo ra kỳ vọng lãi suất sẽ tăng dần.
Xu hướng chính sách tại 3 khu vực kinh tế lớn đang tác động đến tình hình kinh tế toàn cầu với biểu hiện ngày càng rõ nét là, mặt bằng lãi suất có dấu hiệu tăng dần, các nhà đầu tư phải xem xét thay đổi lại cơ cấu vốn đầu tư để bảo toàn và tăng giá trị tài sản, điều này hoàn toàn phù hợp với diễn biến thực tế. Đó là, thế giới đã thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng trầm trọng với giá cả của cổ phiếu và nhiều loại tài sản khác được đánh giá là đang ở vùng đáy, các nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc bán vàng để đầu tư vào những tài sản khác.
Theo ghi nhận của Hội đồng Vàng thế giới, một số tổ chức lớn bắt đầu bi quan về triển vọng giá vàng. Báo cáo đưa ra ngày 25/02 vừa qua của tập đoàn Goldman Sachs cho biết, chu kỳ giá vàng tăng suốt trong 12 năm qua có thể sẽ quay đầu giảm do kinh tế Mỹ đang phục hồi, làm chao đảo các nhà đầu cơ vàng. Tập đoàn này đã hạ dự báo giá vàng quí 1/2013 xuống 1.615 USD/oz từ dự báo trước đây 1.805 USD/oz, giá vàng quí 2 và năm 2013 giảm lần lượt xuống 1.600 USD/oz và 1.550 USD/oz từ dự báo trước đây 1.805 USD/oz và 1.800 USD/oz. Từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã giảm 5,1% do các dữ liệu kinh tế được cải thiện, cổ phiếu tăng giá và NHTW Mỹ tìm kiếm các giải pháp linh hoạt hơn trong chương trình kích thích tăng trưởng.
Tính tất yếu của xu hướng vàng giảm giá cũng được thể hiện trong báo cáo đưa ra ngày 21/02/2013 của Tập đoàn Tín dụng Thụy Sĩ AG khi ghi nhận, lượng vàng tại các quĩ đầu tư vàng (exchange traded funds - ETFs) đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 01/2011. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cũng cho thấy, lượng vàng nắm giữ tại các ETF đã giảm từ mức kỷ lục 2.632,5161 tấn vào ngày 20/12/2012 xuống 2.536,29 tấn vào ngày 25/02/2013, mức thấp nhất trong 5 tháng qua, riêng tháng 2 đã giảm 2,9%.
Theo ghi nhận của Hãng tin Reuters, tính đến ngày 27/02, Quỹ Tín thác đầu tư vàng lớn nhất thế giới (SPDR Gold Trust) đã có phiên bán ròng thứ bảy liên tiếp với tổng lượng vàng bán ra là 42 tấn,đưa lượng vàng nắm giữ về mức 1.258,4 tấn, đây là mức nắm giữ thấp nhất của SPDR Gold Trust trong vòng hơn 6 tháng trở lại đây. Tính từ đầu năm đến nay, quĩ này đã bán ra gần 93 tấn vàng, so với mức mua ròng 96,25 tấn vàng trong cả năm 2012. Từ đầu năm đến nay, SPDR Gold Trust chỉ bán ra chứ không mua vào.
Ngoài SPDR Gold Trust, nhiều quỹ đầu tư vàng khác như COMEX Gold Trust hay ETF Securities cũng bán ròng trong thời gian gần đây, khi giá vàng thế giới liên tiếp điều chỉnh giảm. Trong quí 4/2012, hai tỉ phúGeorge Sorosvà Louis Moore Bacon đã giảm đáng kể lượng cổ phần đang nắm giữ tại các ETF.
Bên cạnh những dấu hiệu về xu hướng vàng giảm giá, vẫn có một số nhận định cho rằng, vàng sẽ tiếp tục tăng giá trong năm nay, mà nguyên nhân là do kinh tế toàn cầu còn yếu ớt và dễ bị tổn thương trước làn sóng nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu. Cụ thể là, tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ tại Nhật Bản chưa rõ ràng, ECB đang xem xét lại hiệu quả của các biện pháp khắc khổ và có thể phải bơm thêm tiền vào thị trường để cứu nguy cho một số nước trong khu vực, Trung Quốc có thể cũng sẽ chạy đua phá giá bản tệ. Ngoài lo ngại về kinh tế, tình hình chính trị quốc tế còn phức tạp, mặc dù thế giới hầu như không quan tâm đến vấn đề này.
Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường vàng quốc tế đang trong giai đoạn chịu áp lực giảm giá lớn do các chỉ số kinh tế vĩ mô tại Mỹ đã cải thiện bền vững hơn trước, các tín hiệu phục hồi kinh tế toàn cầu đã làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu với sự tăng điểm trở lại của thị trường chứng khoán toàn cầu.
Theo Hoàng Thế Thỏa
NHNN