Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết tính đến 15/7, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 457.890 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 32.160 tấn.
Giá bán đường tháng Bảy chững lại và có xu hướng giảm so với tháng Sáu, tuy nhiên nếu công tác chống buôn lậu đường được kiểm soát tốt như trong thời gian vừa qua, mức tiêu thụ đường cho các nhà máy sẽ tăng và lượng tồn kho này không đáng lo ngại.
Hiện giá đường tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên giảm khoảng 200-300 đồng/kg so với tháng trước.
Cụ thể, giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại cửa kho nhà máy: miền Bắc từ 12.500 đến 13.000 đồng/kg; miền Trung và Tây Nguyên 12.000-13.090 đồng/kg; miền Nam 13.000 đồng/kg.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, hiện nay, quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ chưa được các doanh nghiệp quan tâm, tạo sự liên kết.
Ngoài một số doanh nghiệp có ký kết hợp đồng với các đơn vị tiêu thụ lớn, còn lại đều phụ thuộc vào sức mua của thị trường.
Do đó, khi cung đường đang vượt cầu là áp lực rất lớn đối với các nhà máy, trong khi việc xuất khẩu đường đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đoàn Xuân Hòa cho rằng từ nay đến khi vào vụ mía đường mới, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần theo dõi sát diễn biến, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương kịp thời để có biện pháp điều hành thị trường phù hợp.
Bên cạnh đó, Hiệp hội và các công ty đường chủ động xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ đường năm 2015, đảm bảo cân đối cung cầu, giữ ổn định thị trường trong nước.
Theo ước tính của Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, từ nay đến cuối năm 2014, mức tiêu thụ đường không có biến động lớn so với năm 2013.
Với lượng tồn kho đến nay cùng với sản lượng dự kiến sản lượng đầu vụ 2014-2015 (300.000 tấn) và lượng nhập khẩu năm 2014 (77.300 tấn) thì nguồn cung đường từ nay đến cuối năm đạt 835.190 tấn.
Sau khi cân đối cung cầu, đến cuối năm 2014, lượng đường dư thừa khoảng 251.240 tấn./.
Theo: www.cafef.vn