Tôi từng có giai đoạn chẳng thể chi trả nổi cho các nhu cầu thiết yếu. Không đến nỗi phải ra đường ăn xin, nhưng tôi đã phải ăn bữa nay lo bữa mai tại Washington đắt đỏ, với mức lương của người mới ra trường.
Cameron Huddleston là tác giả nổi tiếng tại Mỹ với 14 năm viết về tài chính cá nhân. Các bài viết của cô được đăng tải trên Yahoo!, MSN, AOL Daily Finance và nhiều ấn bản khác. U.S. News & World Report bình chọn cô là chuyên gia tài chính cá nhân hàng đầu nên theo dõi trên Twitter. Trên Gobankingrates, Huddleston đã chia sẻ về thời điểm khó khăn vì thiếu thốn tiền bạc của mình.
Tôi nhớ là, khi đó, mình đã phải ăn trưa ở nhà trước khi gặp bạn bè tại nhà hàng. Vì tôi không đủ tiền đi ăn ngoài. Nhưng may là, ít nhất các hóa đơn nhà cửa, điện nước tôi vẫn trả được.
Những năm tháng khốn khó đó đã khiến tôi có các quyết định tiền bạc tốt hơn sau này. Tôi có thể kiểm soát tài chính bản thân, sống cuộc sống thoải mái hơn hiện tại. Nhưng chính những bài học khi đó đã giúp tôi không bao giờ rơi vào tình trạng đó lần hai.
1. Đừng tiêu quá thu nhập hàng tháng
|
Biết cách giảm chi sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể hàng tháng. Ảnh: Huffington Post
|
Khi bắt đầu tự lập, tôi không mua quần áo mới mỗi tháng hay tuần nào cũng ăn ngoài. Nhưng sau này, tôi mới nhận ra là mình đã quá hoang phí vào tiền ở, khi thuê một căn hộ quá đắt đỏ so với mức lương ít ỏi thời đó.
Tôi thuê một căn hộ một phòng ngủ tại Washington với giá 800 USD mỗi tháng. Giá đó không quá cao, nếu so với giá trung bình tại đây hiện nay - 3.000 USD. Nhưng nó là cách đây gần 20 năm rồi, và gần bằng nửa lương tháng của tôi khi ấy.
Khi đó, tôi đã không suy nghĩ sau khi trả tiền thuê nhà, mình sẽ chật vật dùng số còn lại để chi tiêu thế nào. Sống hoang phí là cái bẫy mà ai cũng rất dễ rơi vào khi không có nhiều tiền. Nếu còn dùng đến thẻ tín dụng để mua những đồ không thực sự cần thiết nữa, anh có thể phá sản.
Sau khi giai đoạn khánh kiệt qua đi, tôi đã thề không bao giờ để tiền nhà chiếm tỷ lệ lớn đến thế nữa. Tôi và chồng giờ thống nhất không chi quá 20% cho tiền nhà mỗi tháng.
2. Biết tiền của mình đi đâu
Nếu muốn phá vỡ cái vòng luẩn quẩn sống chỉ biết qua ngày, bạn cần biết tiền của mình đang đi về đâu. Khi gần như cháy túi, tôi buộc phải theo dõi mọi xu mình chi ra. Ví dụ, nếu tôi chi hơn 50 USD tại cửa hàng tạp hóa, tôi biết mình đang gặp rắc rối rồi.
Sau đó, tôi biết cách quản lý tiền bạc khôn ngoan hơn. Tôi không phải theo dõi từng xu mỗi ngày nữa. Giờ tôi lưu tất cả hóa đơn hàng tháng và các kiểu chi phí vào một danh sách trên máy tính. Tôi và chồng có 2 tài khoản ngân hàng. Một để thanh toán các hóa đơn và một để tiêu dùng. Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi các chi phí để xem có thể cắt được khoản nào không.
3. Có quỹ đề phòng
Tôi biết để dành tiền khẩn cấp, hoặc tiền bảo hiểm, trong lúc bạn còn chẳng đủ trả hóa đơn là việc rất khó khăn. Nhưng tôi đã thấm được việc chuẩn bị trước có tác dụng như thế nào.
Công việc đầu tiên của tôi là thực tập sinh, không có quyền lợi gì cả. Khi còn trẻ và khỏe, tôi cho là mình chẳng cần bảo hiểm y tế. Nhưng đó đúng là sai lầm. Sau đó, tôi phải nhổ 2 chiếc răng khôn. Dù đã thực hiện tại một phòng khám không mấy đắt đỏ, tôi cũng chẳng có đủ 500 USD để trả và phải vay bố mẹ.
Bảo hiểm nghe có vẻ là khoản chi phí không cần thiết. Nhưng tin tôi đi, điều đó không đúng chút nào. Chi phí y tế đắt đỏ hơn phí bảo hiểm mỗi tháng nhiều. Hãy hy sinh những khoản chi nhỏ hiện tại để lập quỹ phòng trừ trường hợp khẩn cấp.
4. Bạn vẫn có thể vui vẻ khi sống tiết kiệm
Kể cả khi không có nhiều tiền, bạn vẫn có rất nhiều cách. Chồng tôi, khi ấy còn là bạn trai, và tôi thích đạp xe quanh thành phố, tới các viện bảo tàng, các sự kiện vào cửa miễn phí, hoặc đi chơi với những người bạn cũng không có nhiều tiền. Việc này làm giảm áp lực chi tiêu đi rất nhiều.
5. Tìm cách cải thiện tình trạng
Tôi rất nhanh chóng nhận ra rằng thay vì than thở mình có quá ít tiền, tôi phải làm cách nào đó để cải thiện tình trạng này. Thế là tôi nhận thêm việc thứ 2.
Khi ấy, tôi đã phải hy sinh gần như toàn bộ thời gian rảnh. Và công việc mới cũng chẳng liên quan gì đến lĩnh vực của mình. Nhưng nó cũng đáng, vì giúp tôi chi trả cuộc sống và còn thừa để tiết kiệm. Với mức lương 8-10 USD một giờ mỗi tối và dịp cuối tuần, tôi đã kiếm thêm được 150-200 USD một tuần. Tôi cũng được mua hàng giảm giá từ cửa hàng mình làm việc nữa.
Cuộc sống của tôi lẽ ra đã khá hơn nếu tôi nhận thêm việc từ sớm. Sau này, tôi luôn tìm việc có mức lương cao, và cố đẩy lương hàng năm thêm vài nghìn USD mỗi lần nhảy việc.
6. Đừng nản chí
Tôi không bao giờ để bản thân nghĩ là mình phải sống qua ngày. Tôi biết tình trạng của mình là tạm thời, vì đang từng bước thăng tiến trong sự nghiệp, cải thiện tài chính và cách chi tiêu.
Tôi cũng không để suy nghĩ mình không có nhiều tiền làm nản lòng. Tôi rất vui vì có công việc đúng chuyên ngành, vì có bạn bè ở bên và gia đình luôn ủng hộ. Và giờ, tôi cảm thấy rất biết ơn vì giai đoạn khó khăn ấy đã dạy cho tôi nhiều bài học tài chính quý giá khi còn trẻ, để sau này tôi không dẫm vào vết xe đổ đó lần thứ hai.
Hà Thu (theo Gobankingrates)