Tại hội nghị xúc tiến thương mại giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung cấp rau tại Lâm Đồng và TP.HCM tổ chức ở Đà Lạt ngày 19-10, đại diện ba chợ đầu mối nông sản lớn nhất tại TP.HCM là Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Điền đã lên tiếng lý giải hiện tượng này.
Đại diện kênh phân phối cho các chợ lẻ cho rằng nguyên nhân là do suốt một thời gian dài các doanh nghiệp cung cấp rau đã không tổ chức kênh phân phối cho các chợ. Nếu mỗi tháng cả TP.HCM tiêu thụ khoảng 71.000 tấn rau thì có đến 60% số lượng này tập trung ở các chợ lẻ, trong khi siêu thị chỉ chiếm 40%.
So sánh giá một số loại rau phổ biến vào những thời điểm thị trường bị thiếu hụt rau sẽ thấy giá tại chợ tăng bất thường, từ 50-100%, trong khi tại siêu thị giá tăng không quá 30%.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà - phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, khi các doanh nghiệp cung ứng rau lơ là kênh bán hàng này thì các thương lái chiếm trọn và chi phối giá tạo nên bất ổn. Giá rau tại các chợ lẻ thường tăng đột biến. Trong khi đó, các siêu thị được ràng buộc pháp lý chặt chẽ dựa trên các hợp đồng cung ứng nên biến động giá không lớn. Và trong rất nhiều lý do các doanh nghiệp cung ứng rau lý giải việc chọn siêu thị là vì “an toàn trong kinh doanh”.
Ông Đỗ Thanh Hưng, chủ nhiệm HTX Phước Thành (Đà Lạt), cho rằng: “Ít tiểu thương có tư cách pháp nhân nên chúng tôi dễ bị mất tiền hàng”.
Bà Lê Ngọc Đào, phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, khẳng định nếu các doanh nghiệp muốn đưa rau đảm bảo chất lượng vào chợ truyền thống thì Sở Công thương TP.HCM hỗ trợ với những ưu đãi từ chương trình bình ổn giá. Tại buổi làm việc, 20 doanh nghiệp cung ứng rau, chợ đầu mối và các siêu thị lớn đã ký cam kết đảm bảo nguồn cung cho thị trường rau lớn nhất cả nước.
Theo Mai Vinh
Tuổi trẻ