PGS.TS Nguyễn Minh Châu, nguyên Viện trưởng Viện CĂQ miền Nam (SOFRI):
ĐBSCL có nhiều loại cây ăn trái hầu như cho trái quanh năm là một độc đáo, có ưu thế rất lớn trong cạnh tranh xuất khẩu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là vấn đề quy hoạch tổ chức sản xuất rải vụ thế nào cho phù hợp.
Theo tôi, đối với trái cây ở ĐBSCL vào các tháng mùa mưa (6-10) chỉ nên cho trái khoảng 30% tổng sản lượng cả năm. Cụ thể, các nhà vườn ĐBSCL nên điều tiết mùa vụ đối với cây thanh long, nhãn, cây có múi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt làm sao tránh cho trái nhiều vào tháng 6, 7, còn lại nên tập trung vào các tháng mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau) thì sẽ ít bị đụng với trái cây từ miền Bắc vào và từ Trung Quốc sang.
TS.Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng SOFRI:
Các địa phương cần phải thành lập Ban chỉ đạo sản xuất rải vụ riêng chứ không kiêm nhiệm như hiện nay để kiểm tra đôn đốc mới hiệu quả. Hơn nữa, đối với từng loại sản phẩm cũng cần có DN đủ tầm, lực và uy tín thương hiệu trên thị trường tham gia đầu tư tổ chức sản xuất và liên kết các vùng để có diện tích, sản lượng lớn phục vụ xuất khẩu.
Đồng thời, để giảm tải đầu ra cần phải xử lý kéo dài thời gian sau thu hoạch, đa dạng hóa sản phẩm chế biến và tiêu thụ nội địa.
TS. Phạm Văn Dư - Cục phó Cục Trồng trọt:
Sản xuất rải vụ cây ăn trái vùng Nam bộ là giải pháp có tính khả thi và thực tiễn cao, góp phần nâng cao hiệu quả, thúc đẩy phát triển vùng chuyên canh bền vững.
Để thực hiện hiệu quả chiến lược này, Bộ NN-PTNT đã yêu cầu Cục Trồng trọt, Viện CĂQ miền Nam phối hợp xây dựng dự thảo lịch thời vụ cụ thể cho một số loại trái cây chủ lực, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn về nhu cầu thị trường, ưu tiên biện pháp sinh học nhằm kích thích quá trình ra hoa, đậu trái, phòng trừ sâu bệnh hại và thâm canh phù hợp, hạn chế áp dụng biện pháp hóa học.
Theo Minh Vương