Dù giảm nhẹ so với đợt cao điểm Tết Nguyên đán nhưng tại nhiều chợ, con đường ở TP.HCM... nhiều loại trái cây không rõ nguồn gốc lại ồ ạt đổ về khiến nhiều người dân hoang mang. Trái cây Trung Quốc vẫn tiếp tục về nhiều với các loại dưa lê, nho, cam, táo, lê... là những mặt hàng “chủ lực”.
Rẻ, ngọt nhưng khó biết rõ nguồn gốc
“Tám ngàn một ký dưa lê đây” - tiếng rao vang vọng khắp con hẻm 55 đường Phạm Văn Chiêu, Q.Gò Vấp của một người bán trái cây dạo khiến không ít người dân nơi đây bất ngờ lẫn tò mò. Lựa một ký dưa vẫn còn tươi mới, chị Hoàng tò mò: “Ủa, dưa đâu mà rẻ dữ vậy?”. Anh chủ xe trái cây tên Đỗ Văn Thanh cho hay dưa Tây Ninh người ta đưa về, đang rộ mùa nên rất rẻ.
Tại chợ Xóm Mới (Q.Gò Vấp), dưa lê cũng được bày la liệt trên những tấm bạt, với tấm biển khá sơ sài ghi chưa tới 10.000 đồng/kg. Khi chúng tôi thắc mắc dưa này ở đâu mà nhiều vậy, một tiểu thương trả lời ngay: “Dưa này người ta trồng ở Vũng Tàu nhiều lắm. Trúng mùa nên giá rất rẻ”.
Dù biết dưa lề đường giá rẻ nhưng nhiều người tiêu dùng cũng khá e dè khi chọn loại dưa này. Chị Ngọc Anh (Q.3, TP.HCM) cho biết sau khi mua bốn trái dưa lê với giá 10.000 đồng/kg ngoài đường về ăn thử quả đầu tiên thấy ngọt bất thường nên đành phải bỏ cả đi chứ không dám cho gia đình ăn. “Tôi không biết dưa này từ đâu nhưng thấy ngọt quá cũng ngại. Thôi thì có kiêng có lành” - chị Ngọc Anh nói.
Theo khảo sát của chúng tôi, khoảng một tháng trở lại đây, dưa lê được bày bán tại rất nhiều tuyến phố ở TP.HCM với giá khá rẻ từ 6.000-10.000 đồng/kg. Hầu hết người bán được hỏi đều cho rằng dưa lê từ các tỉnh miền Tây đưa lên hoặc từ Tây Ninh, Vũng Tàu đưa xuống. Nhưng khi hỏi lại có chắc chắn về nguồn gốc Vũng Tàu, Tây Ninh hay không thì những người bán hàng rong thừa nhận thấy tiểu thương chợ đầu mối nói sao thì bảo vậy chứ không biết chính xác.
Trong khi đó, tại các chợ đầu mối trái cây ở TP. HCM, bên cạnh nguồn dưa lê trong nước thì dưa lê nói riêng và các loại trái cây nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) cũng về rất nhiều.
Hàng Trung Quốc chiếm ưu thế
Quá nửa đêm 21-3, tại chợ đầu mối Hóc Môn, hàng loạt xe trái cây ùn ùn đổ về bãi tập kết để “xả” hàng ra chợ. Thương lái Ngọc nhiều năm kinh doanh trái cây khẳng định hiện đang rộ mùa dưa lê nên hàng về rất nhiều. Dưa lê miền Tây lên, rồi mấy tỉnh miền Đông cũng trồng được nhưng dưa Trung Quốc về cũng hùng hậu không kém. Theo chị Ngọc, dưa trong nước đi xe “công” lên, để nguyên xe và tiểu thương đua nhau lựa.
Còn hàng Trung Quốc đi hàng lạnh nên đóng thùng, tiểu thương bốc thùng về bán chứ không lựa trái như hàng trong nước. Giá cả cũng rất vô chừng, dưa lê trong nước khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, hàng Trung Quốc thường cao hơn vài ngàn đồng so với hàng trong nước.
Cũng tại chợ này, ngoài dưa lê đang rộ, cam, nho, táo, lê vẫn là những mặt hàng “chủ lực” của tiểu thương kinh doanh nhóm hàng Trung Quốc. “Tui thấy báo chí viết hoài mà đâu có thay đổi bao nhiêu đâu, hàng vẫn về đầy rẫy, ai mua cứ thoải mái mua” - chị Thu Nga, chủ một sạp, cho hay. Theo chị Nga, hàng trái cây Trung Quốc về vẫn rất nhiều, mỗi đêm cũng 2-3 xe “công” ghé xả hàng.
Khảo sát tại nhiều chợ lẻ cho thấy tình hình buôn bán mặt hàng trái cây Trung Quốc vẫn khá nhộn nhịp. Táo, lê được các tiểu thương rao từ 50.000 - 60.000 đồng/kg, tại chợ Hạnh Thông Tây (Q.Gò Vấp), thậm chí trên trái táo vẫn còn dán tem có chữ Trung Quốc.
Một tiểu thương tho rằng người tiêu dùng lúc nào cũng thích đẹp, rẻ mà phải ngon. Cam Trung Quốc nhập về chỉ 12.000 - 15.000 đồng/kg, trái to, đều, ngọt mà nhiều nước, trong khi cam miền Tây quả nhỏ lại dày cùi, giá tới 22.000 đồng/kg. “Thị hiếu người dân thôi, họ hỏi mình không có hàng thì mất mối chứ có ai muốn bán đâu”.
Tương tự tại chợ Việt Hưng (Q.12), dưa lê bày bán rất nhiều nhưng lại rất chật vật khi phải cạnh tranh với dưa Trung Quốc. Giá chỉ khoảng 10.000 đồng/kg, các loại dưa trồng trong nước trái thường nhỏ, xấu và không đều. Theo các tiểu thương, hàng trong nước về tùy ngày, to nhỏ khác nhau nên cũng khó bán hơn. Trong khi hàng Trung Quốc trái thường to hơn, thậm chí gấp đôi dưa lê trong nước, màu sắc thường rất tươi và bóng mượt, được lựa chọn nhiều để cúng lễ.
Chưa có dấu hiệu bất thường
Theo Tổng cục Hải quan, trong hai tháng đầu năm nay VN đã nhập khẩu trên 21,5 triệu USD rau quả các loại từ Trung Quốc, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2013. Còn theo Cục Bảo vệ thực vật, công tác kiểm tra trái cây nhập khẩu từ đầu năm đến nay vẫn tiến hành bình thường.
Quy trình kiểm soát trái cây nhập khẩu của Trung Quốc nói riêng và các nước nói chung thực hiện theo thông tư số 13 năm 2011 của Bộ NN&PTNT về kiểm soát nông sản nhập khẩu. Theo đó, lực lượng kiểm dịch sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm 10%, với những mặt hàng có nguy cơ cao sẽ tăng tần suất kiểm tra lên 30% và nếu phát hiện tới lần thứ ba vi phạm sẽ yêu cầu dừng nhập khẩu. Tại các cửa khẩu, bên cạnh việc kiểm tra cảm quan còn có kiểm tra bằng các bộ thử nhanh để phát hiện dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Ông Hoàng Trung, cục phó Cục Bảo vệ thực vật, cho biết đối với dưa lê ngọt bất thường thì tạm thời chưa thể kết luận được gì vì cần phải xác minh nguồn gốc và đem đi phân tích chất lượng mới có kết quả.
|
Theo TRẦN MẠNH - DŨNG TUẤN