Cập nhật lúc:
1/12/2013 3:15:43 PM
Sự tăng giá đột ngột của nhiều mặt hàng thực phẩm trong hai tuần trở lại đây cho thấy, áp lực tăng giá dịp Tết đã lên rất cao. Thực trạng này dường như đã trở thành quy luật.
Làm sao để người tiêu dùng không quá sốc vì giá cả, chuyên gia thị trường Vũ Vinh Phú đã có cuộc trao đổi với Đại Đoàn Kết.
PV: Ông có thể cho biết, thị trường Tết Quý Tỵ năm nay sẽ có những biến động về giá cả ra sao? có yếu tố nào gây sốc đối với người tiêu dùng hay không?
- Ông Vũ Vinh Phú: Chắc chắn các loại thực phẩm chế biến như thịt gà, thịt lợn, thịt bò… sẽ tăng giá. Theo tôi dự đoán, các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh, hoa quả phục vụ Tết sẽ tăng khoảng 20 – 30% so với ngày thường.
Theo báo cáo của Sở Công thương Hà Nội, thành phố đã chuẩn bị 6.000 tỷ đồng cho hàng hóa phục vụ Tết, trong đó có các công ty chủ lực: Hapro: 900 tỷ, Tổng công ty Lương thực miền Bắc: 500 tỷ, các siêu thị khoảng 2.300 tỷ. Các công ty như Minh Hiền, Việt Hưng chuẩn bị 1.000 tấn thịt lợn sạch, các làng nghề chuẩn bị 2.000 tấn bánh mứt kẹo, 600 tấn miến, 100 tấn giò chả.., 3.000 tấn gạo, 450 tấn thủy hải sản, 350 tấn gà, 6 triệu quả trứng, 1,3 triệu lít dầu.
Tương tự, TP. Hồ Chí Minh cũng đã chuẩn bị 6.000 tỷ đồng để bình ổn hàng hóa Tết… Có thể nói, lượng chuẩn bị phục vụ Tết năm nay cũng khá lớn, song nếu đối chiếu với tổng lượng cầu, số lượng cung ứng này mới chỉ đạt 30%. Như vậy, 70% lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ Tết vẫn nằm ở thị trường tự do, do vậy, giá cả vẫn do thị trường tự do quyết định. Đây là lý do rất đáng để chúng ta lo lắng về giá cả các mặt hàng dịp Tết. Bởi, chỉ khi chúng ta đảm bảo được 70% lượng hàng thay vì con số 30% hiện nay, thì mới có thể yên tâm rằng, giá cả sẽ không bị biến động.
Vậy theo ông, làm sao để các nhà phân phối (như ông nói là thị trường có tổ chức) thực hiện được nhiệm vụ này?
- Nhìn cục diện hiện nay, để làm được điều đó thật khó. Khi mà chúng ta chưa thể liên kết được giữa các nhà phân phối với nông dân, sản phẩm từ nhà sản xuất phải qua nhiều tầng nấc mới đến được tay người tiêu dùng, thì vẫn còn tình trạng giá cả được nâng lên, hạ xuống… tùy hứng. Thậm chí, kể cả những trường hợp, các nhà phân phối đã ký hợp đồng với nông dân nhưng khi có đối tượng khác trả giá cao hơn, họ sẵn sàng phá hợp đồng. Và chính từ những lộn xộn này, mới có tình trạng giá cả "nhảy” lung tung, không theo một quy luật nào. Để khi đến tay người tiêu dùng, họ phải mua với giá cách rất xa so với giá sản xuất. Đó là điều diễn ra lâu nay ở trên thị trường mà Nhà nước thì không đủ lực để kiểm soát. Cho nên, đây cũng là bất cập trong việc kiểm soát, bình ổn giá cả hiện nay.
Nên chăng, chúng ta rất cần phải xem lại cách làm của mình để làm sao gắn chặt giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, bằng cách cung ứng cho họ một khoản vốn để người nông dân có lực để sản xuất. Thử hình dung, nếu người nông dân cứ tự làm theo ý họ, chỉ cần một đợt dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh, thiên tai đổ xuống… là mất trắng. Do đó, rất cần một giải pháp thiết thực để giúp người nông dân và nhà phân phối gần nhau. Còn nếu chỉ hô hào: Sẽ bình ổn thị trường, sẽ cân đối cung cầu… như chúng ta vẫn hô hào lâu nay mà không có những việc làm cụ thể thì tất cả cũng chỉ là hình thức mà thôi.
Để cải thiện được tình trạng này, nhất là để nhà sản xuất và nhà phân phối gặp được nhau, liên kết chặt chẽ với nhau, chúng ta phải làm gì. Thưa ông?
- Trước hết, phải làm mạnh hơn nữa công tác kiểm soát thị trường. Nếu cứ để tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu tràn lan vào trong nước thì sẽ rất khó có một cái Tết an toàn. Đối với vấn đề liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, chúng ta đã thực hiện nhưng chưa thực sự đồng đều. Hiện TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện liên kết được giữa các trang trại, người nuôi với các siêu thị, trong khi Hà Nội lại chưa làm được, và nếu có, cũng rất lỏng lẻo, dễ "đứt gãy”. Nếu chúng ta có sự liên kết tốt, các siêu thị, các nhà phân phối sẽ chủ động được nguồn hàng, không phải thông qua các tầng nấc trung gian, và đương nhiên, giá cả đến với người tiêu dùng sẽ không phải qua nhiều lớp, không bị "thổi vống” lên.
Bên cạnh đó, chúng ta cần có một "nhạc trưởng” điều hành thị trường dịp Tết, từ đó sẽ đưa ra những dự đoán xem thị trường cần gì để tăng nguồn cung, và như vậy sẽ tránh được tình trạng cái người tiêu dùng cần thì thiếu, cái người tiêu dùng không cần thì lại thừa… Có làm được như vậy, người tiêu dùng mới có được một cái Tết an toàn mà không bị sốc về giá, không bị sốc về tình hình an toàn thực phẩm như diễn ra lâu nay.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Minh Phương
Đại đoàn kết