"Treo ao" chờ bảo hiểm nông nghiệp (!)
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 7591
Hôm qua: 3773
Tổng số: 8896602
 

 
 

Cập nhật lúc: 5/1/2013 11:40:57 AM
Tháng 4, theo thời vụ, mùa nuôi tôm mới đã bắt đầu, nhưng trên nhiều cánh đồng nuôi tôm tỉnh Bạc Liêu vẫn không thể nhìn thấy hình ảnh những cánh quạt quay vù vù trên những đầm tôm lấp loáng nước.
Đầm nuôi tôm sú
Đầm nuôi tôm sú
Vùng tôm Bạc Liêu đang lâm vào tình trạng "treo ao" vì hậu quả của những mùa tôm thất bát.

Một cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phước Long cho biết, từ đầu vụ đến nay, bà con nông dân thả nuôi hơn 18.500 ha, đạt gần 100% diện tích nuôi tôm của huyện. Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, thời  tiết diễn biến bất lợi, lại thiếu nước đã làm hơn 1.500 ha tôm nuôi bị chết, mức độ thiệt hại 20-25% sản lượng. Thêm vào đó, do con giống kém chất lượng, người nuôi thiếu kỹ thuật, không tuân thủ lịch thời vụ, dịch bệnh trên tôm chưa được khống chế đã làm chính người nuôi tôm điêu đứng.

Chúng tôi về lại vùng nuôi tôm công nghiệp xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ðây là địa bàn được triển khai sớm nhất loại hình bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho con tôm ở Bạc Liêu. Còn nhớ những ngày đầu  đi triển khai, vận động chính quyền, người dân hưởng ứng tham gia BHNN ở Vĩnh Hậu A, từ người nuôi tôm đến cán bộ xã cũng chưa thật sự tin tưởng sẽ triển khai được loại hình bảo hiểm này, vì vẫn nghĩ đây là loại hình bảo hiểm thương mại, do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.

Vì vậy, trải qua hai vụ nuôi có sự tham gia của BHNN, là xã có 3.020 ha đất nuôi trồng thủy sản, trong đó có tới 1.876 ha (chiếm 62,13%) là nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh... nhưng tới cuối năm 2012, Vĩnh Hậu A cũng chỉ có 431 hộ mua BHNN với tâm trạng "thí điểm" cho 280,49 ha. Trong khi đó, hết năm 2012, cả xã có tới 1.490 ha (chiếm 79,42%) diện tích thả giống bị thiệt hại. Hàng trăm hộ nuôi tôm rơi vào cảnh khốn khó, nợ nần bủa vây.

Anh Lâm Văn Tiến, ở xã Vĩnh Hậu A cho biết, gia đình anh thả nuôi tôm công nghiệp 14 ao, nhưng chỉ sau hơn hai tháng thả nuôi, đã hơn nửa số ao tôm nuôi bị chết. Riêng chi phí cải tạo đất, mua con giống, thức ăn và xăng, dầu chạy quạt... đã thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, anh Tiến chỉ mua "thử" bảo hiểm cho bốn ao, và ba ao bị chết. Anh Tiến xót xa: "Thế là cả tiền của gia đình lẫn tiền vay đã mất trắng. Chúng tôi chỉ còn chờ đợi được nhận tiền BHNN đợt trước, và cũng phải đợi ký được BHNN đợt này mới dám thả tiếp, sợ rủi ro lại tiếp tục "tàn phá" vùng tôm".

Chẳng riêng gia đình anh Tiến, không ít hộ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp trong tỉnh Bạc Liêu đã bị thất bát chỉ sau một thời gian nuôi thả. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 2 năm 2013, cả ba huyện nằm trong diện thí điểm của tỉnh Bạc Liêu có 1.435 hộ tham gia BHNN với 1.374 ha, giá trị được bảo hiểm là 598.329 triệu đồng.

Hiện nay, dù là tỉnh có tốc độ giải quyết hồ sơ bồi thường nhanh so với các địa phương khác (do là tỉnh duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đã đầu tư được trang thiết bị đủ điều kiện xét nghiệm bệnh của con tôm) nhưng  cũng mới chỉ đền bù được hơn 20 tỷ đồng, do số lượng hồ sơ yêu cầu bồi thường quá lớn, diện tích dàn trải. Ngoài ra, tại Bạc Liêu còn có thêm một lý do nữa khiến cho công tác bồi thường BHNN đã quá tải lại càng chậm trễ.

Năm 2013, cũng giống như một số tỉnh nuôi trồng thủy sản ở ÐBSCL, tại Bạc Liêu đã xuất hiện một thực trạng đáng báo động là nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, thuốc thú y thủy sản đang phát động phong trào nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng.

Ðể bán được sản phẩm, các doanh nghiệp đã cung cấp giống đến tận nhà vận động bà con nuôi mà không lấy tiền ngay, nếu trúng tôm thì bà con trả tiền, còn tôm chết thì doanh nghiệp lại tiếp tục đầu tư cho đến khi nào nuôi trúng thì thôi. Với giá tôm sú giống chỉ có 30 đồng/con, trong khi giá tôm thẻ chân trắng đến 80 đồng/con, thì việc doanh nghiệp bán nợ con giống cho nông dân đã khiến bà con nông dân bỏ tôm sú sang nuôi tôm thẻ chân trắng, và nuôi cả ở những vùng cấm, không quy hoạch cho đối tượng này.

Theo một thành viên Ban Chỉ đạo BHNN tỉnh Bạc Liêu, so với những năm trước, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong dân tăng không phải vì hiệu quả của mô hình này mà vì người dân nhận thấy, với cách thức tính tỷ lệ bồi thường BHNN hiện nay, cùng với những khả năng rủi ro cao khác... thì ngay cả khi tôm thất thu, người mua  BHNN vẫn có hiệu quả. Vì theo quy định BHNN, tôm thẻ chân trắng nuôi từ 55 đến 60 ngày bị thiệt hại đều được bảo hiểm bồi thường nhưng người nuôi tôm lại được tận thu số tôm còn trong ao.

Kết quả thống kê cho thấy, có đến 90% số hộ nuôi tôm bị thiệt hại đều rơi vào thời gian từ 55 đến 60 ngày, mà loại tôm này chỉ cần nuôi đến 60 ngày là đã thu hoạch được với giá bán khá cao, khoảng 70 đến 80 nghìn đồng/kg. Muốn thu lợi, hộ nuôi chỉ cần bỏ đói là tôm tấp mé ngay, đợi bảo hiểm làm xong biên bản là tiến hành thu bán hoặc không thì để nuôi tiếp bán sau.

Ðây cũng là lý do giải thích vì sao tỷ lệ tôm chết ở khung thời gian từ 55 đến 60 ngày tăng cao như vậy, và chính vì tỷ lệ, hồ sơ bồi thường bảo hiểm của con tôm tăng cao, khiến Ban Chỉ đạo BHNN các cấp và doanh nghiệp bảo hiểm phải làm việc rất căng thẳng, vất vả, rà soát từng hồ sơ, từng chứng từ... mới quyết định mức bồi thường.

Từ đó, đã hàng tháng nay, người nuôi thì cứ căng thẳng chờ đợi được nhận tiền bồi thường, còn ban chỉ đạo các cấp, cán bộ bảo hiểm cứ căng thẳng lần theo từng chứng từ, hồ sơ... mới dám xác nhận bồi thường. "Ðây là chương trình sử dụng tiền từ ngân sách nhà nước, là trách nhiệm mà các tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan đoàn thể đều vào cuộc... nên những người thực hiện Chương trình BHNN chúng tôi không dám lơi là, bất cẩn. Chỉ cần mình thiếu trách nhiệm một chút thôi là mang tội với Ðảng, với Nhà nước, với nhân dân. Thà chậm còn hơn nhanh mà không minh bạch, rõ ràng" - Giám đốc Bảo Việt Bạc Liêu Trần Thanh Lạc cho biết.

Cũng chính vì thực trạng trên, sau khi tổ chức các cuộc kiểm tra thực tế, Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp  và Phát triển nông thôn đã khẩn trương sửa đổi một số quy tắc, quy trình thực hiện BHNN. Theo đó, trong thời gian tới, sẽ siết chặt các quy định về thời vụ, tỷ lệ bồi thường... để giải quyết những bất cập phát sinh từ thực tế. Ðể thực hiện theo quy định mới, Ban Chỉ đạo BHNN đã yêu cầu ngừng ký hợp đồng bảo hiểm mới cho đến khi có quy định mới của Ban chỉ đạo. Vì vậy, hiện nay, người nuôi tôm ở Bạc Liêu vẫn "treo ao" vì vừa chờ tiền đền bù vụ nuôi cũ, vừa chờ quy định mới để ký hợp đồng bảo hiểm vụ mới.

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, một số hộ nuôi tôm ở xã Vĩnh Hậu A cho biết, dù các điều khoản đã được điều chỉnh, các hộ nuôi vẫn tham gia, bởi theo bà con, nếu không được bảo hiểm, người dân cũng không dám nuôi vì đã bốn, năm vụ nuôi thất bát, sức đã cùng, lực đã kiệt. Giờ, bà con chỉ mong các cấp, các ngành cùng giúp hộ nuôi cho đúng, cho an toàn, nếu chẳng may thiên tai thất bát thì còn có bảo hiểm giúp vớt vát được phần nào.

Theo Sông Trà

Nhân dân

 
Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che