Chưa như mong muốn
Việc cấy hóa chất hoặc vật cứng vào cây dó bầu với những thành công bước đầu ở một số vườn dó bầu ở huyện Tiên Phước (Quảng Nam) dù chỉ thu được trầm loại 4, loại 5 (tốt nhất là kỳ nam, loại 1) làm một số người cho rằng đã thành công và thẩm định giá trị khai thác 1ha dó bầu ít nhất cũng vài ba tỷ đồng (ở mức tạo trầm thấp); nếu cây không tạo được trầm thì bán gỗ làm nhang vẫn có lãi cao hơn hẳn so với trồng quế hoặc cây nguyên liệu giấy. Từ đó tạo ra làn sóng ngầm trồng dó bầu ở vườn nhà, không ít nơi thay thế dần các cây trồng khác bằng cách xen canh sau 2-3 năm phá bỏ vườn cũ. Đến nay, diện tích cây dó bầu được trồng gần 20.000ha với khoảng 15 - 20 triệu cây dó bầu (Aquilaria crassna), tập trung nhiều ở vùng Đông Nam bộ, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung. Địa phương lớn nhất là Hà Tĩnh, trồng khoảng 3.000ha.
Có nhiều phương cách tạo trầm, nhưng VAWA cho rằng, có thể khái quát tạo trầm trên cây dó bầu thành 2 phương pháp chính: Gây tổn thương (khoan, đục hoặc đóng kim loại vào thân cây) và gây tổn thương kết hợp với chế phẩm sinh học hoặc hóa chất (khoan lỗ trên thân cây hoặc lột vỏ, sau đó bơm chế phẩm sinh học hoặc hóa chất vào lỗ khoan hoặc vùng vỏ đã lột). Quá trình hình thành trầm trong cây dó là do một loại khuẩn của cây sinh ra để ngăn chặn côn trùng ở những vị trí có vết thương trên cây. Khi vết thương được ngăn chặn sẽ hình thành một lớp mỏng màu nâu hoặc sậm, nằm giữa phần gỗ chết (khô) và phần gỗ sống (tươi). Nếu nạo lấy lớp mỏng này đưa vào lửa đốt sẽ tỏa mùi hương trầm, nhưng đây chưa phải là trầm. Tuy vậy đã có không ít người ngộ nhận là đã tạo được trầm.
Thật ra, việc tạo trầm thành công khi lớp mỏng màu nâu hoặc màu sậm trên tiếp tục lan rộng, dày thêm, tích tụ dầu nhiều hơn. Vì vậy, theo VAWA, việc tạo trầm trên cây dó bầu chưa cho kết quả như mong muốn, đôi khi còn gây ra tổn hại cho người trồng, ít ai giàu lên từ loại cây trồng này. Nếu có chỉ là những người buôn bán cây giống. Tuy nhiên cho đến nay nhiều người vẫn hy vọng có thể làm giàu từ cây trồng này. Một điều chú ý, xu hướng sử dụng các sản phẩm từ trầm hiện nay là an toàn cho sức khỏe. Từ xưa đến nay con người quen dùng trầm tự nhiên (trầm sinh học) để làm dược liệu chữa bệnh, tinh dầu phục vụ công nghiệp mỹ phẩm nên theo xu hướng tạo trầm hương sinh học.
Cẩn trọng khi đầu tư
Theo ông Ngô Duy Tư, Chủ nhiệm CLB Trầm hương Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, từ năm 2008 đến nay, huyện Tân Phú là điểm nóng của các loại thuốc và phương pháp cấy tạo trầm. Có 13 loại thuốc cấy tạo trầm thử nghiệm ở đây. Nhìn chung các loại thuốc sản xuất tại Tân Phú cũng như của các công ty và các tỉnh khác đưa đến cấy tạo trầm cho các nhà vườn trồng dó bầu ở Tân Phú cho thấy, đại bộ phận các loại thuốc cấy tạo trầm trước đây còn hạn chế về tác dụng, không có trầm hoặc ít, chất lượng kém, thị trường không chấp nhận. Đáng nói hơn, có loại thuốc này khi cấy vào cây dó bị phân hủy, rỗng cây, làm chết đứng hoặc gãy gục ngổn ngang. Người bán thuốc, người đi cấy tạo trầm theo hợp đồng tiền đã bỏ túi, tìm cách lẩn trốn. CLB Trầm hương Tân Phú cho biết, đại bộ phận nông dân trồng dó bầu Tân Phú nói riêng và cả nước nói chung trắng tay. Là một người trồng dó bầu và từng thất bại, ông Nguyễn Văn Kính, xã Phú Lộc, Tân Phú, cho rằng, cần sáng suốt lựa chọn đối tác, không nên vội vàng. Chỉ khi nào thấy tận mắt việc khai thác trầm và mua bán trầm hương mới chắc.
VAWA cho biết, mỗi phương pháp tạo trầm cho kết quả không giống nhau về số lượng, chất lượng, thời gian, phí tổn và kết quả. Có phương pháp tạo trầm thành công, nhưng có phương pháp không thành công, thậm chí còn làm chết cây.
Theo VAWA, nên lựa chọn phương pháp tạo trầm bằng gây tổn thương kết hợp với chế phẩm sinh học, loại trầm tạo ra (miếng hoặc mảnh) ít nhất phải đạt trong các thứ hạng của loại 5, với số lượng 1,5 - 2kg trên cây dó có độ tuổi từ 8 trở lên và thời hạn tạo khoảng 2 năm, mức chi phí từ 200.000 - 800.000 đồng/cây và người tạo trầm phải bảo chứng. Một điều cần hết sức chú ý, đó là mùi hương của trầm. Nếu kết quả tạo được trầm như nêu trên, một khi không chế biến thành trầm miếng hoặc mảnh, có thể sử dụng toàn bộ cây dó bầu đã tạo trầm để chế biến bằng cách chiết suất tinh dầu trầm. Trước khi tạo trầm trên cây dó bầu, nhà vườn phải tìm hiểu như phương pháp nào, tạo được loại trầm gì, số lượng bao nhiêu cho mỗi cây theo độ tuổi hoặc độ lớn, thời hạn bao lâu, phí tổn ra sao… Khi chưa có câu trả lời thích hợp thì nên mạnh dạn từ chối, nếu không sẽ “tiền mất, tật mang”.
Theo Đăng Lãm