Theo khảo sát tại Hà Nội, thị trường thực phẩm đang bị bóp méo thảm hại khi giá tại nơi sản xuất quá thấp, trong khi tại các chợ bán lẻ lại cao ngất ngưởng.
Bó rau đội giá 10 lần
Giá bán tại ao của bà con nông dân ngoại thành Hà Nội chỉ dao động 30.000 - 50.000 đồng/kg cá trắm. Cá chép loại to từ 2 kg trở lên mới có giá trên 50.000 đồng. Giá heo hơi tại chuồng là 40.000 đồng/kg…
Song, tại các chợ bán lẻ và siêu thị trên địa bàn Hà Nội, giá thịt lợn rẻ nhất là 100.000 đồng/kg, trong siêu thị, giá bán 115.000 - 130.000 đồng/kg. Giá cá dao động 80.000 -100.000 đồng/kg. Giá một mớ rau đay lên tới 5.000 đồng, các loại rau khác hiện cũng dao động quanh mức này, một số loại rau dền, rau cải lên tới 7.000 đồng…
Bà Nguyễn Thị Hải (Nam Hồng, Đông Anh) cho biết giá rau bán tại ruộng rẻ như bèo. Rau đay được bán ra với giá 500 đồng/mớ, khi được giá là 700 đồng/mớ. Các loại rau khác cũng chẳng khá hơn, đợt nào được giá nhất cũng chỉ đến 1.000 đồng/mớ…
Theo ông Phạm Văn Thái, chủ 2 ao cá ở huyện Thạch Thất, giá bán các loại vật nuôi năm nay đều thấp so với năm ngoái, riêng cá thấp hơn đến 5 giá. Trong khi đó tất cả mọi thứ đều tăng giá, cám lợn, cám cá tăng 6 - 10 giá.
Điều khiến người nông dân từ lãi mỏng đến hòa vốn hoặc thua lỗ là chuyện giá cám. Nếu mua nhiều thì được bán đúng giá của công ty, nhưng mua ít thì phải mua đắt lên tới 50.000 - 60.000 đồng/bao. Thường do không có tiền nên nhà nhà đều chịu cảnh mua đắt.
Nhà phân phối thụ động
Dù giá cả các loại thực phẩm tươi sống tại nơi sản xuất ngày càng thấp đi nhưng nghịch lý tại các chợ bán lẻ, và các siêu thị, giá thực phẩm đến tay người tiêu dùng lại rất đắt. Thậm chí, thời gian gần đây, khi giá xăng tăng, giá một số loại thực phẩm cũng đã kịp nhảy theo. Ngay tại một số chợ cóc phục vụ công nhân, giá thịt lợn cũng đã đội lên 95.000 đồng/kg. Giá các loại cá nhỏ cũng dao động 60.000 - 90.000 đồng/kg.
Một tiểu thương tại chợ Ngọc Thụy, Long Biên, cho biết thường thịt lợn phải trải qua 2 - 3 cầu mới đến tay người tiêu dùng. Chẳng hạn, một chủ lò lớn đi tìm nguồn lợn hơi tại các vùng nông thôn, sau đó họ bán lại cho các lò mổ nhỏ lẻ, hoặc cho mổ, phân phối cho những người bán buôn, từ đầu mối này lại phân phối về các chợ lẻ, có khi từ chợ lẻ này họ lại đưa về những chợ cóc… và khi đến đến tay người tiêu dùng đã có giá…trên trời.
Lý giải về việc này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng, thiếu tính liên kết giữa sản xuất và phân phối là điểm yếu của hệ thống phân phối hiện nay. Do đó, việc tìm giải pháp để rút ngắn các tầng nấc trung gian là cần thiết để các bên cùng có lợi.
Ngoài ra, các nhà bán lẻ đừng thụ động trong việc tìm kiếm nguồn hàng. Thay vì chủ động sản xuất, thu mua tận gốc, nhiều siêu thị vẫn ngồi một chỗ chờ xe hàng của lái buôn mang đến. Do đó, chi phí phải đội lên. Thực tế, chương trình bình ổn giá đã được triển khai ở các thành phố lớn nhưng dường như kết quả không được như các nhà quản lý kỳ vọng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp tham gia bình ổn không tìm được nguồn hàng tại gốc.
Để giải quyết tình trạng này trung gian làm giá, phải tổ chức lại đầu vào thương mại, giảm bớt trung gian. Các công ty thương mại nên đến tận nơi sản xuất để mua hàng. Nhà nước phải kiểm soát được hàng nhái, hàng lậu và có những chính sách sản xuất thương mại, quy hoạch thương mại ở nông thôn và thành thị…, để người tiêu dùng bớt thiệt thòi. (Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội). |
Theo Phương Trà
Đất Việt