Đầu năm 2014, Sở Công Thương TP.HCM đã ban hành Công văn 290 thiết lập lại hệ thống phân phối gas trên địa bàn TP.HCM để giảm gas giả, gas lậu, gas sang chiết trái phép… Trong đó có nội dung đáng chú ý là thương nhân đầu mối xác định lại hình thức phân phối và thiết lập, đăng ký lại hệ thống phân phối kinh doanh.
Hộ cá thể phải chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp (DN), nếu không thì chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý và không được ký hợp đồng trực tiếp với thương nhân đầu mối. Từ đó, việc hạn chế quyền của hộ cá thể sẽ là giải pháp để kiểm soát được gas giả, gas lậu.
Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện nay ở TP.HCM có khoảng 1.000 hộ kinh doanh cá thể. Nếu không chuyển đổi thành DN thì họ có thể lựa chọn, ký hợp đồng với một tổng đại lý. Như vậy, tổng đại lý có trách nhiệm với hộ kinh doanh cá thể này. Nếu phát hiện ra gas giả, gas lậu thì cơ quan chức năng sẽ biết được gas đó lấy từ đâu, trách nhiệm thuộc về ai… Khi phân định rõ ràng như vậy, cơ quan quản lý nhà nước và các thương nhân có thể giám sát được chất lượng, nguồn gốc và giá bán đến tay người tiêu dùng.
Theo các DN gas, công văn 290 còn quy định các công ty gas không được bán trực tiếp đến hộ cá thể, chỉ được bán cho các cửa hàng trong hệ thống của mình. Bấy giờ, giá bán được quy định thống nhất trong hệ thống phân phối nên không làm tăng giá bán.
Đến thời điểm này Sở Công Thương TP.HCM đã nhận được 30 giấy phép của 30 hộ kinh doanh cá thể làm thủ tục để chuyển đổi lên DN. Số còn lại chỉ đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh để trở thành đại lý.
Cũng theo đại diện Sở Công Thương, công tác quản lý kiểm soát đối với việc kinh doanh gas thuộc chức năng của nhiều cơ quan chuyên môn như PCCC, đo lường chất lượng, môi trường, công thương... Riêng việc kiểm tra đối với hoạt động kinh doanh gas thì Sở Công Thương giao cho Thanh tra Sở và lực lượng QLTT TP kiểm tra từ nay đến cuối năm theo kế hoạch hằng năm của Sở.
Theo Tú Uyên