Bắt đầu buôn từng món đồ điện tử nhỏ, sau 12 năm tích lũy, Phạm Văn Tam đã thực hiện được ước mơ sở hữu một nhà máy sản xuất tivi thương hiệu Việt.
Gia đình có truyền thống kinh doanh các mặt hàng điện tử tại Quảng Ninh, ngay từ sớm Phạm Văn Tam đã phần nào am hiểu lĩnh vực này nên bỏ ngang việc học đại học để xin bố mẹ cho tập tành chuyện làm ăn.
Nhận thấy thị trường linh kiện điện tử phát triển, nhu cầu lớn, nhất là nguồn khách hàng tại TP HCM, năm 2002 Tam quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp khi 23 tuổi. Lúc đầu, anh chỉ đủ sức thuê căn nhà nhỏ khoảng 20m2 để chứa đồ và sinh hoạt tại đường Lữ Gia, quận 10. Địa điểm anh chọn để phát triển các mối hàng là chợ Nhật Tảo chuyên kinh doanh hàng điện tử gia dụng. Tại đây, Tam may mắn được nhiều tiểu thương truyền đạt kinh nghiệm buôn bán, rồi dần dà trở thành mối ruột.
|
Phạm Văn Tam tại nhà máy của mình ở TP HCM . Ảnh: MH.
|
"Thời gian đầu, nhiều bạn hàng thấy tôi hiền lành, thật thà nên sẵn lòng giúp đỡ. Nhiều người còn nói tôi cứ mạnh dạn lấy hàng về, họ sẽ trả bằng tiền mặt, hỗ trợ tối đa”, Tam bộc bạch. Thời kỳ đó, kinh doanh đồ điện tử "vàng thau lẫn lộn", nhưng ngay từ đầu Tam đã đặt ra nguyên tắc phải cung ứng các mặt hàng chất lượng, bảo hành đến nơi đến chốn nên rất có uy tín với tiểu thương ở chợ. Để có nguồn hàng ổn định, từ phân phối từng món linh kiện nhỏ, anh đã sang tận Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc… lấy hàng đem về bán, chủ yếu là tivi và đầu đĩa.
Công việc kinh doanh linh kiện điện tử của Phạm Văn Tam cứ lớn dần theo từng năm, anh không chỉ cung cấp hàng cho các tiểu thương mà còn đáp ứng cho cả các doanh nghiệp sản xuất. Tuy nhiên, nhiều năm làm trong nghành này, đi khắp các tỉnh thành, tiếp xúc với người tiêu dùng, đặc biệt là thấy các thương hiệu của nước ngoài thống lĩnh thị trường, Tam luôn đau đáu câu hỏi: “Tại sao người Việt không có thương hiệu điện tử lớn cho riêng mình?”.
Phân phối linh kiện khoảng 8 năm thì Tam bắt đầu chuyển sang lắp ráp, sản xuất, nhưng vẫn chưa có thương hiệu riêng. Anh cho biết, khoảng 2-3 năm về trước, dòng tivi CRT ra thị trường đa phần là do công ty anh sản xuất.
Đầu năm 2014, khi cảm thấy điều kiện đã chín muồi, Tam quyết định dốc toàn bộ vốn liếng để đầu tư xây dựng nhà máy trị giá 20 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc (TP HCM) và cho ra mắt sản phẩm tivi mang thương hiệu Asanzo. Tam cho biết, nhờ nhập linh kiện máy móc từ nước ngoài lâu năm, nhà cung cấp nhận thấy uy tín nên đã hỗ trợ và ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật, chuyển giao dây chuyền sản xuất lắp ráp từ Nhật Bản cho nhà máy của anh. Hàng tháng, phía đối tác cử các chuyên gia sang Việt Nam hướng dẫn cho đội ngũ kỹ thuật công ty.
Việc lấy tên thương hiệu Asanzo, theo Tam cũng xuất phát từ sự trùng hợp ngẫu nhiên. "Từ Asan – theo cách hiểu của người châu Á gọi là Atam, trong khi tên tôi là Tam. Còn chữ Zo nôm na là thắng lợi, do đó tôi mới ghép lại để đặt cho thương hiệu của mình", Tam kể.
Với kinh nghiệm và bản lĩnh thương trường nên mọi chuyện được Tam quyết định rất nhanh, không bỏ lỡ cơ hội nào từ mua hàng cho đến bán hàng. Do đó, dù là Tổng giám đốc, giờ đây Tam vẫn thường trực tiếp đi đến tận các vùng sâu vùng xa gặp đại lý và người tiêu dùng để tìm hiểu nhu cầu của họ, cũng như tự đi nghiên cứu thị trường…
Nói về sự thống lĩnh của các tập đoàn điện tử lớn, cũng như sự lụi tàn của các thương hiệu Việt trước đó, Tam tự tin cho rằng anh tự hào là doanh nghiệp tiên phong trong nước sản xuất ra tivi giá rẻ, nhưng vẫn đáp ứng được chất lượng tốt. Với anh, không cần phải chạy theo các thương hiệu lớn, mà phải có con đường riêng. Do đó, dòng sản phẩm đầu tiên mà Tam chọn ra mắt là dòng tivi CRT màu, hình ảnh vuông chuyên phục vụ tầng lớp khách hàng có thu nhập thấp.
"Bây giờ đô thị hóa, nhu cầu sở hữu một chiếc tivi vừa phải của công nhân rất cao, bởi vậy đáp ứng cho đối tượng khách hàng này đầy triển vọng", Tam phân tích và cho biết thêm, tại Việt Nam hiện có nhiều gia đình vẫn dùng chiếc tivi dày cộp từ rất lâu đời, thậm chí ở vùng quê tivi còn là một thứ gì đó xa xỉ, nhiều khi phải mua trả góp nên anh quyết định chọn phân khúc... nghèo.
Dòng tivi Led của công ty Tam hiện được xem là rẻ nhất tại Việt Nam, chỉ khoảng 3 triệu đồng cho một tivi chất lượng full HD. Ngay cả các khách sạn, trường học nhiều nơi vẫn tìm mua sản phẩm này. Để có được một chiếc tivi với mức giá hấp dẫn, anh cho biết áp dụng phương thức không sử dụng hoặc giảm bớt các tính năng thừa không cần thiết. "Chất lượng linh kiện của chúng tôi đều được nhập cùng một nhà máy như nhiều thương hiệu nổi tiếng khác. Vì vậy không phải cứ rẻ tiền là giảm chất lượng", Tam nói và cam kết chất lượng không hề thay đổi, chỉ bớt đi một số công năng nhưng bù lại giá tivi sẽ rẻ.
Hiện tại, phân khúc tivi Led ở Việt Nam ít nhà sản xuất mặn mà, nên Tam vẫn xác định mình sẽ nhận miếng bánh này. Anh phân tích, hầu hết các hãng lớn đều đang theo đuổi công nghệ cao như Oled, 4K... với kích thước chủ yếu từ 40 đến 50 inch. Nhưng tại thị trường Việt Nam, nhiều người vẫn đang dùng tivi từ 25 inch dành cho những căn phòng nhỏ. Ngoài ra, anh vẫn phát triển song song dòng tivi smart với hệ điều hành android để đáp ứng cho phân khúc gia đình có điều kiện, nhưng giá bán vẫn rất hấp dẫn. Ví dụ dòng smart 50 inch giá chỉ tầm 9 triệu đồng.
Trước xu thế thay đổi tivi như những món hàng thời trang, vị tổng giám đốc trẻ nhận định, ở Việt Nam phải khoảng mười năm nữa mới có thể diễn ra điều này. Hiện tại công ty anh vẫn bán dòng CRT "dày cộm" rất tốt, mỗi tháng xuất xưởng khoảng 30.000 chiếc mà không đủ cung ứng thị trường.
Đầy tự tin về chiến lược mình chọn, tuy nhiên Tam cũng thừa nhận, làm ngành này rất rủi ro, vì nếu tivi xảy ra lỗi ở màn hình, bo mạch thì coi như bỏ luôn cả chiếc.
"Lô hàng đầu tiên chúng tôi sản xuất ra không may bị hỏng một vài chi tiết. Lúc đó tôi quyết định phải thu hồi ngay 4.000 tivi Led, dù thiệt hại lớn bởi giá một chiếc lúc đó trung bình hơn 3 triệu đồng. Nhưng tôi nghĩ, muốn tồn tại thì chữ tín phải đặt lên hàng đầu, thay vì làm theo cách của các thương hiệu khác là phải chờ bảo hành thì mới thu hồi", Tam chia sẻ.
Minh Hòa