Cộng đồng kinh tế ASEAN có dân số hơn 620 triệu người. Trong đó, lực lượng lao động chiếm gần 50%, với khoảng 300 triệu người. Đặc biệt, 3 quốc gia gồm Indonesia, Philippines và Việt Nam đã chiếm hơn 70% tổng số lao động của khối.
Nhờ điều khoản “Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề”, lực lượng lao động Việt Nam, vốn chiếm khoảng 15% lực lượng lao động của khối, đang ít nhiều trong tâm trạng phấn chấn vì chân trời việc làm đang mở ra trước mắt. Theo thỏa thuận, người có trình độ chuyên môn thuộc 8 lĩnh vực, bao gồm: nha khoa, điều dưỡng, kỹ thuật, xây dựng, kế toán, kiến trúc, khảo sát và du lịch có thể đến 9 nước còn lại để làm việc.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần của bức tranh toàn cảnh. Phần còn lại, ít ai nhắc đến, là những thử thách “cứng” lẫn “mềm” mà các quốc gia trong AEC đã có hoặc đang dựng lên để kiểm soát tình trạng lao động chui và bảo hộ thị trường lao động của chính mình. Theo nhiều chuyên gia, điều dễ nhận thấy nhất chính là sự thay đổi nhanh chóng về Luật thuế, Luật Xuất nhập cảnh ở từng quốc gia.
|
Lao động có tay nghề Việt Nam đang có nhiều cơ hội việc làm hơn ở Đông Nam Á, nhưng cũng gặp không ít rào cản.
|
Cho đến nay, hầu như tất cả các nước ASEAN đều yêu cầu lao động nước ngoài phải có người bảo lãnh mới cấp phép lao động. Một số nước như: Singapore, Maylaysia, Thái Lan, Philippines hay Myanmar... bắt buộc người bảo lãnh phải là người của nước đó. Về quy trình, trong khi Việt Nam, Singapore hay Malaysia không bắt buộc người xin cấp phép có mặt trực tiếp để xin giấp phép lao động thì nếu muốn làm việc tại Thái Lan, Lào hay Myanmar, người nộp đơn phải trực tiếp sang đó để làm thủ tục.
Để tránh lao động bất hợp pháp, các nước ASEAN cũng không còn chấp nhận cho đến làm việc trước rồi xin giấy phép sau. “Về lý thuyết, tại Malaysia, bạn thậm chí chỉ sang làm việc có một ngày thôi cũng phải xin giấy phép. Chỉ trừ khi bạn đi công việc kiểu hội họp, hội thảo”, bà Ang Weina – chuyên gia thuế của Công ty Deloitte Malaysia cho biết. Hay như Philippines, mặc dù có không ít người nước ngoài cũng mạo hiểm sang đây làm việc, nhưng một khi bị phát hiện chưa được cấp phép, họ sẽ lập tức bị trục xuất.
Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cũng là một biện pháp mà các nước trong khu vực thích sử dụng để kiểm soát và thu lợi từ dòng di chuyển của lao động nước ngoài. Không nói đâu xa, ngay tại Việt Nam, đây cũng là một nguồn thu không nhỏ. Bà Trần Thị Lệ Nga, Phó cục trưởng Cục Thuế TP HCM cho biết: “Số thu thuế thu nhập cá nhân riêng tại TP HCM đang chiếm 11% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân của cả nước. Trong đó, thu từ tiền lương, tiền công của người nước ngoài đến thành phố làm việc đang chiếm đến 60%”.
Làm việc ở các nước lân cận có thể mang đến cơ hội lương cao, nhưng điều đó cũng đồng nghĩa việc đóng thuế TNCN tại đó không nhẹ nhàng. Nếu như tại Việt Nam, mức thuế thu nhập cá nhân dao động từ 5% đến 35% thì các nước lân cận, mức đóng cũng không khác nhiều. Cụ thể, thang đánh thuế TNCN của Thái Lan cũng dao động từ 5% đến 35%. Maylaysia đánh thuế TNCN thấp nhất 1% và cao nhất 28%, Singapore thì dao động từ 2% đến 22%. Một số nước có cách làm khác hơn, như Philippines chẳng hạn. Ví dụ, nếu có thu nhập trong khoảng trên 30.000 peso đến dưới 70.000 peso (khoảng từ trên 14 triệu đồng đến dưới 33,5 triệu đồng) thì người lao động phải nộp 2.500 peso (khoảng 1,2 triệu đồng) cộng với 15% số tiền vượt mức 30.000 peso.
“Trong 6 tháng đầu, tôi phải chịu mức thuế TNCN là 28% cho diện Non-tax Resident. Sau 6 tháng, nếu các lần về nước không quá 14 ngày thì tôi được đóng thấp hơn theo diện Tax Resident với mức 11%, chưa kể thuế EPF. Nói chung tôi thấy mức đóng thuế TNCN cũng tương tự Việt Nam, nhưng vì tổng thu nhập cao hơn mà mặt bằng giá sinh hoạt cũng không hơn TPHCM nhiều nên làm một thời gian thì công việc khá ổn, tích lũy được”, Nguyễn Hồng Đức đang làm việc tại Kuala Lumpur (Malaysia) chia sẻ.
Trao đổi tại mội hội thảo về “Dịch vụ thuế - nhân sự toàn cầu” do Deloitte Việt Nam tổ chức gần đây, nhiều chuyên gia trong khu vực cho biết, việc kiểm soát các gian lận khi khai thuế TNCN tại các nước Đông Nam Á cũng đang được siết chặt. Ngoài việc phạt tiền với các khoản thu nhập khai thiếu (Ví dụ: Singapore phạt từ 200% đến 400%; Indonesia phạt 48%, Philippines phạt 30%) thì mức cao nhất còn có thể bị phạt tù, như tại Singapore, Malaysia, Indonesia...
Ông Thomas McClelland – Phó tổng giám đốc phụ trách dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam cho rằng: “Nhằm tránh những rủi ro không đáng có, người tìm việc và các nhà quản lý nhân sự cần phải luôn cập nhật và tìm hiểu các quy định mới về thuế tại các nước Đông Nam Á để đảm bảo được việc tuân thủ đầy đủ các yêu cầu theo quy định ở các nơi cá nhân đến làm việc”.
Viễn Thông