Nhiều vườn vải trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao nhưng chưa được doanh nghiệp thu mua, khiến người dân sốt ruột, bán vội cho thương lái với giá rẻ.
So với vải canh tác thông thường, diện tích 60 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap của huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) chín muộn hơn 1-2 tuần. Lúc này, không ít hộ trong danh sách 6 mã vùng được quy hoạch đã bắt đầu thu hoạch với số lượng lớn, song số lượng bán cho doanh nghiệp để xuất đi Mỹ, Australia chưa đáng kể.
Anh Đặng Văn Thắng (xóm Ngọt, xã Hồng Giang), một trong 17 hộ trồng thuộc mã vạch số 6 cho biết, đúng theo cam kết thu mua, trong ngày 17/6, doanh nghiệp tại TP HCM đã về lấy 12 tấn, giá 21.000 đồng mỗi kg. "Mức giá này cao so với năm ngoái cũng như tại các điểm cân lúc này. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ do thời gian cách ly thuốc bảo vệ thực vật chưa hết, nên vừa thu hoạch vừa đợi vải chín đủ tiêu chuẩn", ông nói.
Không may mắn như anh Thắng, dù cũng là hộ trong 5 nhóm mã vạch được lựa chọn để trồng theo quy trình vải xuất khẩu, nhưng ông Lê Đăng Tuất (Thôn Kép, Hồng Giang) đang như ngồi trên lửa vì mới bán vỏn vẹn một tạ vải cho doanh nghiệp. Trước đó, ông đăng ký bao tiêu với số lượng lên đến 5 tấn.
"Tuy giá thu mua vải đẹp có khi lên đến 26.000 đồng mỗi kg, song số lượng thu hoạch phải chia đều cho các hộ trong nhóm, nên tính ra doanh nghiệp thu mua cho mỗi hộ rất ít", ông cho hay.
|
Lo doanh nghiệp không thu mua, một số hộ trồng đã thu hoạch vội vải tiêu chuẩn VietGap bán cho Trung Quốc với giá rẻ. Ảnh: Giang Huy
|
Sốt ruột, ông Tuất đành thu hoạch và đem bán tại các điểm cân của thương lái Trung Quốc, kể cả bán cho điểm thu mua hàng sấy khô (thường quả rụng) và chấm nhận thấp hơn 3-4 giá của doanh nghiệp. "Hàng đẹp nhất của vải tiêu chuẩn, Trung Quốc đang mua giá 20.000 đồng. Tôi chỉ bán được 18.000 đồng. Tổng cộng cả vườn đã thu hoạch được một tấn", ông phàn nàn.
Cách đó không xa, gia đình chị Lê Thị Mai có khoảng 1,5 ha. Một nửa vườn trồng theo tiêu chuẩn sạch. Riêng diện tích còn lại canh tác truyền thống, phần lớn đã được bán cho Trung Quốc. Chị cho biết, vải VietGap đã chín, song gia đình vẫn thu hoạch cầm chừng để chờ động thái từ địa phương và doanh nghiệp.
"Một phần tiếc công chăm sóc. Phần khác, vải sạch bán ra ngoài cũng không được giá do mã hàng không phải tiêu chuẩn thu mua của thương lái Trung Quốc. Trong khi vải VietGap chỉ tiêu thụ trong 10 ngày, nếu không có ai thu mua vài ngày tới tôi chắc chắn phải bán ra ngoài với giá vải xô khoảng 15.000-16.000 đồng mỗi kg", chị lo lắng.
Đại diện Công ty Rồng Đỏ (TP HCM) cho biết, kế hoạch thu mua 100 tấn vải của 17 hộ trồng tại Lục Ngạn vẫn đang được doanh nghiệp tiến hành. Song, hợp đồng chỉ bao tiêu cho các hộ trồng tại Xóm Ngọt, còn các khu vực trồng khác đơn vị không nắm rõ.
"Chúng tôi đã tiêu thụ khoảng 10 tấn cho mã hàng số 5 vào ngày hôm qua, cao hơn giá thị trường bên ngoài một giá. Mới là năm đầu tiên bao tiêu nên số lượng hàng vẫn chỉ mang tính thử nghiệm. Sau vụ thu hoạch, công ty mới đánh giá nhu cầu, thị trường và kỳ vọng sang năm sẽ tăng được số lượng thu mua cho bà con", vị đại diện công ty cho hay.
Qua khảo sát của VnExpress, trong ngày 18/6, việc thu mua của các điểm cân tại Lục Ngạn bắt đầu chững lại do các thương lái Trung Quốc về nước ăn Tết Đoan Ngọ. Dù vậy, giá vải vẫn ở mức cao, dao động 15.000-25.000 đồng một kg. Vải lai Thanh Hà có mẫu mã đẹp được các thương lái trả giá cao nhất.
Chị Nguyễn Thị Lý - đại diện thu mua cho một doanh nghiệp Hà Nội cho biết, hiện các điểm cân của thương lái trong nước vẫn hoạt động, nên vải vẫn được giá, cao nhất 24.000 đồng. Riêng hàng đi các tỉnh phía Nam giá giảm đáng kể còn 13.000-14.000 đồng, bởi dân để dành hàng đẹp đợi thương lái Trung Quốc sang thu mua mới thu hoạch.
Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo huyện Lục Ngạn cho biết công tác tiêu thụ vải của địa phương vẫn được sát sao. Ngoài một đơn vị tại TP HCM, các doanh nghiệp nông sản tại Hà Nội và một số địa phương lân cận cũng đang thu mua. Vừa qua, địa phương đã làm việc với một đơn vị tiêu thụ khác, họ cam kết sẽ tiêu thụ 1.000 tấn vải sang một số thị trường ASEAN, trong đó có Malaysia.
"Biên bản ghi nhớ với đại diện doanh nghiệp đã được ký. Đồng thời, địa phương cũng đang nỗ lực để tổ chức tiêu thụ cho cả vùng trồng trong đó có cả diện tích vải tiêu chuẩn VietGap", vị này khẳng định.
Thành Tâm