Trung bình cứ một tạ vải, nhà vườn lại bị thương lái trừ đi 5-10kg. Việc trừ cân, ép giá đã thành lệ tại hầu hết các điểm thu mua vải ở Lục Ngạn (Bắc Giang).
Có gần 2ha vải, việc thu hoạch của gia đình anh Ngô Duy Phương (Tân Thành, Quý Sơn) đã diễn ra từ đầu tháng. Anh cho biết năm nay vải đẹp mã, năng suất cao, gia đình dự tính thu hoạch trên dưới 20 tấn. Điều anh Phương phấn khởi nhất là giá thu mua của thương lái đang cao hơn năm ngoái vài nghìn đồng.
“Giá vải xô dao động 14.000-15.000 đồng một kg và luôn có xu hướng tăng. Riêng lô hàng quả đẹp loại một có nơi thương lái trả đến 24.000 -25.000 đồng mỗi kg”.
|
Theo lãnh đạo địa phương, tới đây, khi triển khai kế hoạch liên kết chuỗi sản xuất, chỉ trồng vải theo đơn đặt hàng sẽ khắc phục và hạn chế tình trạng trừ cân. Ảnh: Giang Huy
|
Kỳ vọng là vậy, song theo anh Phương, thu nhập hoàn toàn phụ thuộc người "chỉ vải" và sọt hàng bị trừ bao nhiêu cân khi vào điểm bán. “Chuyến vừa rồi tôi có khoảng 1,7 tạ được định giá 20.000 đồng một kg, nhưng vào đến điểm cân lại bị trừ lùi mất hẳn 10kg. Tính ra, cứ mỗi sọt tôi mất 200.000 đồng cho tiểu thương, một ngày thu hoạch được 5 sọt thì mất cả triệu đồng”, anh than phiền
Từ nhà ra đến điểm cân gần 3km, anh Lê Văn Viện (xã Tân Mộc) chở được hơn 1,5 tạ vải nhưng đã bị trừ lùi tới 8 kg. "Cứ nghĩ vải đẹp chỉ bị trừ dăm ba cân ai ngờ gần chục cân", anh bức xúc.
Anh cho biết, việc lùi cân là để bù đắp phần hao trọng lượng quả vải khi thương lái bán lại cho các đầu mối. Trước đây, các điểm thu mua chỉ trừ 1-2 kg mỗi tạ vải nên mọi người còn thoải mái và chấp nhận. Mấy năm gần đây bị trừ đến cả chục cân khiến người trồng vải khá sốt ruột.
"Đầu vụ đang ít hàng, chứ rộ thu hoạch mà cứ kỳ kèo với thương lái thì có nước đứng giữa nắng đợi đến lượt được cân, thậm chí còn mất thêm vài chục nghìn đồng nhờ cửu vạn bốc hộ cho nhanh. Trong khi khâu thu hoạch phải khẩn trương, không thì vải rụng hết", anh Viện nói thêm.
Lý giải việc trừ lùi cân, bà Mai Thu Loan, đại diện thu mua cho một tiểu thương trong nước ở ngã ba Nghĩa Hồ cho rằng việc giao dịch vải hầu hết vào buổi sáng, do thu hoạch từ sớm nên quả vải ướt nước, nặng cân. Đến buổi trưa khi đóng hàng để xuất bán thì quả đã ráo và hanh hơn, trọng lượng sẽ hao hụt đáng kể.
Ngoài ra, mỗi ngày điểm cân thu mua 10-13 tấn vải, nhưng khi giao hàng cho đầu mối tại các tỉnh, thành cả nước thì phải xé lẻ từng cân để bán nên một kg phải cân lên thêm 2-3 lạng mới đủ. Nếu không trừ lùi, tiểu thương phải bù tiền cho khách.
"Chúng tôi phải bù khá nhiều nếu không trừ lùi cân. Cứ bán ra cho khách 100 thùng thì phải bù 5 thùng. Đây là điều bình thường và hầu hết người bán vải không có phản ứng gì vì ai cũng hiểu việc hao cân là có thật", bà Loan cho hay.
Có nhiều năm làm đại diện cân vải cho thương lái Trung Quốc, anh Ngô Văn Đăng (Tân Thành, Quý Sơn) cho biết thực tế, tại các điểm cân hàng đi Trung Quốc, các tiểu thương gần như không trực tiếp mua hàng mà giao cho một người đại diện thường là người trong vùng.
"Việc hao trọng lượng là có, song tỷ lệ chỉ 2-3%, tức là một tạ quả chỉ trừ 2-3 kg là đủ để bù. Nhưng hiện nay, hầu hết các điểm cân trừ lùi 5-10kg thậm chí là 12 kg, phần dư cân này tiểu thương không được hưởng. Họ nhận hàng bằng thùng chứ không bằng cân. Cân bao nhiêu không quan trọng miễn là giao đủ số lượng thùng hàng họ đã giao thu mua", anh cho biết.
Do vậy, ngoài 2-3 kg đã trừ hao thì với mỗi mã hàng người đứng ra thu mua sẽ thu được 6-7kg thừa. Bình quân trong ngày một điểm cân thu mua 14 tấn vải thì phần dôi ra là 9 tạ quả với giá 20.000 đồng, người trực tiếp thu mua đã kiếm được 2 triệu đồng, chưa kể khoản trả công một triệu đồng mỗi ngày từ chủ hàng.
"Đó là lý do vì sao số lượng cân bị trừ ngày càng tăng hơn trước", vị này nói.