Trong 3 tháng trở lại đây, giá vàng thế giới chỉ dao động trong biên độ hẹp, từ 1.540 – 1.640 USD/ounce – khoảng lặng hiếm thấy trong hai năm trở lại đây. Giá vàng trong nước cũng biến động một cách chậm chạp, hơn cả vàng thế giới bởi sự dửng dưng của thị trường.
Dường như, vàng đã không còn là một tài sản “hot”, là lựa chọn hàng đầu trong danh mục của nhà đầu tư và các quỹ.
Trên thị trường kỳ hạn, khối lượng giao dịch ghi nhận con số sụt giảm liên tục, với các phiên sau thấp hơn phiên trước và chỉ bằng khoảng 70% so với trung bình. Thi thoảng mới có một phiên bùng nổ nhờ các tin tốt, tin xấu đồng loạt đổ bộ, hoặc hoạt động mua bù, bán kỹ thuật hay chuyển trạng thái của nhà đầu tư.
Hoạt động giao dịch của các quỹ trao đổi sản phẩm tài chính (ETP) thể hiện khá rõ cho xu hướng bán vàng và rút tiền mặt. Theo số liệu của Reuters, trong quý 2, quỹ SPDR Gold Trust, quỹ đầu tư tín thác bằng vàng lớn nhất thế giới và chiếm 60% tổng lượng vàng vật chất nắm giữ bởi các quỹ ETP, đã bán ra 5 tấn vàng – quý bán ra đầu tiên trong 3 năm. Sang tháng 7, quỹ này bán ra 7 phiên liên tiếp tổng cộng 24,87 tấn và không mua vào phiên nào, đưa lượng nắm giữ xuống mức thấp nhất kể từ trung tuần tháng 1, tại 1.254,64 tấn.
Nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng là bởi những kỳ vọng vào động thái kích thích kinh tế từ Mỹ, hay cụ thể hơn là một chương trình nới lỏng định lượng lần thứ 3 (QE3), bị xóa tan hết lần này đến lần khác do Fed nhận thấy chưa đến lúc phải dùng biện pháp mạnh.
Trong khi đó, khủng hoảng nợ công châu Âu ngày càng nghiêm trọng với 6 nước đã phải xin cứu trợ, kinh tế Trung Quốc đối mặt nguy cơ hạ cánh cứng với tăng trưởng GDP xuống dưới 8%/năm lần đầu tiên trong 3 năm đã làm tăng mối lo về một cuộc suy thoái mới. Đồng USD lại trở thành tài sản “vua” còn vàng thì ngược lại.
Nhu cầu vàng vật chất – yếu tố quan trọng giúp làm tăng giá vàng trước đây – cũng thiếu vắng trong thời gian qua.
Tại Ấn Độ, đồng Rupee mất giá kỷ lục trong khi chính phủ kể lại 2 lần tăng thuế nhập khẩu kim loại quý, khiến cho giá vàng lên mức cao nhất từ trước tới nay đã kìm hãm sức mua của người dân. Nhu cầu ở nước tiêu thụ nhiều vàng nhất thế giới đã giảm gần một nửa trong 6 tháng qua. Mùa mưa năm nay lại xấu hơn dự đoán, mở ra tương lai u ám về nguồn thu nhập từ nông sản có thể sẽ tiếp tục khiến người dân rời bỏ vàng.
Ở các nước châu Á khác, kinh tế khó khăn do tác động từ khủng hoảng nợ châu Âu cũng khiến cho nhu cầu vàng giảm sút.
Do tâm lý nhà đầu tư đang khá thờ ơ với vàng, các ngân hàng như HSBC, Barclays Capital, BNP Paribas cũng nhận thấy triển vọng thị trường không còn tươi sáng, nên đã đồng loạt hạ dự báo giá kim loại quý này cho phần còn lại của năm. Mới vừa tuần trước, Barclays cho rằng vàng sẽ chỉ đạt bình quân 1.670 USD/ounce trong cả năm.
Các chuyên gia đầu tư lừng danh cũng cảnh báo một triển vọng u ám dành cho vàng. Jim Rogers thậm chí còn cho rằng giá vàng sẽ xuống dưới 1.200 USD/ounce.
Ở trong nước, giá vàng hồi đầu năm biến động khá mạnh, nhưng khoảng 3 tháng trở lại đây cũng để mất đà. Ngay cả khi vàng thế giới tăng giảm cực mạnh, thì vàng trong nước cũng chỉ biến động rất nhẹ và thường duy trì khoảng cách cao hơn thế giới trên dưới 1,5 triệu đồng/lượng.
Lượng giao dịch ở các tiệm vàng lớn không còn các con số vài nghìn lượng hay vài chục nghìn lượng mỗi khi có biến động mạnh như trước đây, mà chỉ ở quanh mức vài trăm lượng cho đến trên 1.000 lượng là cao. Việc các công ty đua nhau xin nhập khẩu vàng cũng không còn xuất hiện.
Nguyên nhân khiến vàng trong nước không còn “nóng” như trước có thể kể đến quy định siết chặt quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, các công ty kinh doanh mua bán vàng sẽ bó hẹp với một số điều kiện khắt khe…Một nguyên nhân khác nữa là do kinh tế khó khăn, dòng tiền dành cho đầu tư vàng giảm sút.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành trong một bài trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây đã nhận định, vàng hiện chỉ là tài sản đầu tư xếp thứ ba về thanh khoản, sau tiền đồng và USD. Trước đây, vàng thường được xếp ở vị trí nhất nhì.
Thành Hưng