Tuy nhiên, theo không ít người, việc cải tiến này lại chỉ có lợi cho những người “am hiểu công nghệ”, còn rất nhiều người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng, ít học, ít đọc, gần như không còn cơ hội.
Trong mấy ngày ga Sài Gòn tổ chức bán vé tại ga, khuất sau những gương mặt hớn hở của những người có điều kiện tiếp cận để mua vé tàu bằng các hình thức mua vé hiện đại, là những gương mặt méo xệch của không ít hành khách “tối mù thông tin” về vé tàu phải lủi thủi rời ga.
Ngay trong ngày đầu tiên bán vé tàu tết tại ga, nhiều người đã ái ngại trước hình ảnh một người đàn ông trung niên nghèo bị nhân viên bán vé từ chối thẳng thừng, vì không xuất trình được các “bằng chứng” chứng minh đã có số thứ tự, đã đặt chỗ thành công qua mạng. “Suốt ngày cắm đầu vào nhổ lông gà, lông vịt nên có biết nhắn tin, mạng là gì đâu, chỉ biết nhanh chân đến sớm để mua vé như mọi năm mà thôi”, người đàn ông nói như sắp khóc.
Ở Sài Gòn có hàng vạn người nghèo các tỉnh nhập cư thành phố, họ lam lũ với đủ thứ công việc từ làm thuê, buôn bán nhỏ... giống như người đàn ông kia, lấy đâu ra thời gian lên mạng hay đọc báo, xem tivi để biết về những thông tin bán vé tàu tết từ ga Sài Gòn. Vậy nhà ga trong kế hoạch bán vé tàu tết của mình có tính đến đối tượng hành khách nghèo này chưa?
Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng ga Sài Gòn, cho biết bản thân ông nhận biết được vấn đề đó, nhưng để tránh tình trạng trục lợi từ phe vé, chen lấn tại ga gây cảnh hỗn loạn, ngành đường sắt vẫn phải áp dụng các hình thức bán vé mới. Ông Thành bảo, những người không thể mua vé tàu theo hai hình thức trên vẫn còn “cửa” một khi số lượng vé chính được bán hết mà nhu cầu vẫn còn thì ngành đường sắt sẽ tiến hành bán ghế phụ.
“Dự kiến sẽ có khoảng 10.000 ghế phụ, còn hình thức bán thế nào sẽ được chúng tôi thông tin sau. Nhưng ở đây chúng tôi cũng xin khẳng định sẽ có cách bán để mọi thành phần có thể tiếp cận mua vé”, ông Thành nói.
Riêng đối với những người già (từ 60 tuổi), thương binh, do không được tiếp cận thông tin nên đến nay chưa có vé (vì vé tết cho các đối tượng này đã được kết sổ từ cuối tháng 9 – PV) thì có thể đến gặp trực tiếp trưởng ga để trưởng ga cân nhắc từng trường hợp cụ thể. “Chúng tôi, luôn mong phục vụ cho tất cả các đối tượng nhưng cái gì cũng vậy, được cái này thì mất cái kia”, ông Thành chia sẻ.
Còn theo ông Đinh Văn Sang, phó tổng giám đốc công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, để giải quyết tất cả các bất cập trên, nhất thiết phải giải quyết tình trạng khan hiếm vé tàu tết. Muốn thế, ngoài ngành đường sắt còn phải có sự tham gia của các cơ quan chức năng cao hơn, đặc biệt là của bộ Giao thông vận tải.
Ông Sang nói, ngành đường sắt đã kiến nghị nên phối hợp giữa đường sắt, đường bộ và đường hàng không. Trong đó, cần xem xét phương án đường bộ nên vận chuyển hành khách những tuyến gần, đường sắt và hàng không vận chuyển hành khách có cự ly xa. Như vậy mới mong giảm tải được cho ngành đường sắt trong công tác vận chuyển hành khách mỗi khi tết đến, đồng thời cũng bớt được các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do lái xe phải gồng mình suốt chặng đường quá dài.
Trước mắt, theo một cán bộ hưu trí ngành đường sắt, muốn giải quyết quyền lợi của người lao động nghèo, ít học, ngành đường sắt nên phân bổ một lượng vé nhất định về cho địa phương (như phường, xã). Từ đây, địa phương sẽ thông báo cho tổ dân phố để tổ dân phố rà soát danh sách những người buôn gánh bán bưng tạm trú trên địa bàn giúp họ các thủ tục mua vé tàu. “Hình thức này cũng không khác mấy so với hình thức bán vé tập thể hiện nay ngành đường sắt đang áp dụng. Có như vậy thì người lao động nghèo sẽ không tủi phận khi nghĩ mình bị bỏ rơi”, vị cán bộ hưu trí hiến kế!
Theo Đào Lê