Yếu tố quan trọng nhất để nền kinh tế có thể đạt mục tiêu GDP bình quân 22.000 USD vào năm 2035 là tăng năng suất lao động, song đây lại là yếu tố đáng lo ngại nhất theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới.
Tại hội thảo "Triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam - Cơ hội nào cho doanh nghiệp" diễn ra tại TP HCM ngày 17/5, bà Victoria Kwakwa - Phó chủ tịch Ngân hàng thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cho rằng mục tiêu GDP bình quân đầu người 22.000 USD mà Việt Nam đặt ra cho 2 thập kỷ tới là thách thức.
Cụ thể, hiện tăng trưởng của nền kinh tế chủ yếu dựa vào lao động trẻ, dân số đông nhưng đây là những yếu tố không bền vững và cần thay đổi. Thực tế hiện nay tại Việt Nam là khu vực tư nhân không đạt hiệu quả về năng suất lao động, do việc phân bổ và phân công lao động chưa hiệu quả, bên cạnh thể chế chưa hoàn thiện. Vốn, đất đai là những nguồn lực có nhu cầu cao nhưng chưa được đáp ứng.
|
Tăng năng suất lao động là chìa khóa để tăng trưởng bền vững.
|
Đại diện Tập đoàn Tân Tiến cũng bày tỏ, trở ngại nhất của doanh nghiệp chính là thể chế. Doanh nghiệp bị làm khó vì năng lực của cán bộ quản lý thấp, và thực tế có những người quản lý không hiểu được cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Bùi Quang Vinh - nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá doanh nghiệp là động lực phát triển kinh tế nhưng nhìn lại thực trạng doanh nghiệp Việt thật đáng lo ngại. Trong số 535.000 đơn vị đang hoạt động, bổ sung thêm 17.000 doanh nghiệp đăng ký mới hằng năm thì đa số đều có quy mô sản xuất nhỏ. Công nghệ sản xuất lạc hậu và thiếu chiến lược phát triển kinh doanh.
Doanh nghiệp không có khả năng tận dụng lợi thế hiệp định thương mại do, không đủ năng lực để trở thành đối tác doanh nghiệp FDI và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình thức đầu tư kinh doanh được áp dụng chủ yếu vẫn là “ăn xổi ở thì”.
Nhìn lại kinh tế Việt Nam 10 năm qua, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố là tích luỹ vốn và lao động giá rẻ. Trong bối cảnh mới hiện nay, 2 yếu tố này không còn phù hợp, thể hiện rõ nhất là tốc độ tăng trưởng đang bị chậm lại, từ 8% năm 1996 xuống còn hơn 6% năm 2014. Về phía Chính phủ, các ý kiến cũng cho rằng tốc độ tăng năng suất suy giảm có lẽ là thách thức lớn nhất để đạt những khát vọng thu nhập 22.000 USD trên đầu người vào năm 2035.
Nguyên nhân được nhắc đến là hiệu quả của khu vực Nhà nước vẫn thấp. Các quyết định đầu tư công thiếu hiệu quả do thể chế phân tán, manh mún và quá trình ra quyết định thiếu sự phối hợp. Doanh nghiệp Nhà nước vẫn là các đơn vị sản xuất thiếu hiệu quả, được sử dụng nguồn lực khan hiếm song năng suất không cao. Trong khi đó, hiệu quả của khu vực ngoài quốc doanh lại đang giảm mạnh. Năng suất của khu vực tư nhân trong nước cũng không cao hơn khu vực công. Tình trạng các thể chế của Nhà nước bị thương mại hoá là yếu tố chính gây ra vấn đề này.
Trước thực trạng trên, đại diện Ngân hàng Thế giới cho rằng, để tăng năng suất lao động ở khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế nội địa trước hết cần chính sách bảo hộ quyền cạnh tranh, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tối ưu hoá về sử dụng nguồn vốn, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi kinh tế toàn cần.
Ngoài ra, theo bà Victoria Kwakwa, Việt Nam cần có cơ chế đối tác giữa chính phủ, khu vực FDI và doanh nghiệp nội để cùng chia sẽ lợi ích chung. WB đang thử nghiệm mô hình này và sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
"Chỉ có tăng năng suất lao động thì mới theo kịp tốc độ làm việc của các đối tác thế giới", bà nhấn mạnh và cho rằng, Việt Nam cần có các chương trình đào tạo; định hướng kinh doanh theo hướng phát triển chung của quốc gia. Mặt khác, khi nào Việt Nam tận dụng được mối liên kết giữa doanh nghiệp nội và FDI thì mới mong hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình hội nhập.
Ông Bùi Quang Vinh chia sẻ thêm, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam được lợi là có sân chơi rộng lớn hơn nhưng cũng phải cạnh tranh trên sân nhà, thậm chí thua ngay trên sân nhà nếu không tự nâng cao năng lực.
Theo ông Vinh, Việt Nam hiện có 2 lợi thế là chính trị và kinh tế khá ổn định. Nhận thức của Chính phủ về doanh nghiệp ngày càng được cải thiện rất rõ nét khi đánh giá rất cao vai trò đóng góp của họ. Do đó, nhà điều hành đã đưa ra những cải cách quyết liệt, sửa đổi hàng loạt luật (Đầu tư, Doanh nghiệp, Hình sự…) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng, giảm chi phí...
Hoài Thu