Việt Nam kỷ niệm 15 năm gia nhập APEC
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 607
Hôm qua: 4644
Tổng số: 8885845
 

 
 

Cập nhật lúc: 11/15/2013 7:17:26 AM
Hội nghị "APEC trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21" tổ chức tại Hà Nội ngày 15/11, được xem như sự kiện đánh dấu 15 năm Việt Nam gia nhập cộng đồng này.
Đây là sự kiện cao cấp đầu tiên trong khuôn khổ diễn đàn APEC được tổ chức tại Việt Nam kể từ Hội nghị cấp cao APEC 2006. Tham dự Hội nghị có khoảng 150 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có sự tham gia của các khách mời cao cấp như Phó tổng Thư ký Liên hợp quốc - bà Noeleen Heyzer, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan. Hội nghị sẽ tập trung thảo luận, đánh giá thực chất vai trò, triển vọng của APEC cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực.

Sự kiện này diễn ra đúng ngày kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC (15/11/1998 – 15/11/2013). Nghị trình sẽ bao gồm việc rà soát tổng thể sự tham gia của Việt Nam trong 15 năm qua, đề xuất các chính sách nâng cao hiệu quả tham gia, đóng góp, phát huy vai trò trong APEC, đồng thời trao đổi về việc đăng cai hội nghị cấp cao lần thứ 25 năm 2017.

Các chuyên gia sẽ cùng trao đổi về việc Việt Nam đóng góp như thế nào thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong APEC hay cách thức tham gia hiệu quả tại APEC.

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, châu Á mà trọng tâm là Đông Á nổi lên thành một trong những khu vực năng động trên thế giới khi tốc độ tăng trưởng bình quân lên tới 9-10% mỗi năm. Dù vậy, khu vực lại thiếu đi hình thức hợp tác hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế, hội nhập với nhiều quốc gia.

Trước nhu cầu trên, diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) được ra đời tháng 11/1989 với 12 thành viên. Đến nay, APEC đã trở thành cơ chế hợp tác kinh tế lớn nhất trong khu vực với 21 thành viên, chiếm khoảng 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới. 

vietnam-apec-4314-1384451747.jpg

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hội nghị APEC. Ảnh: VNA

Sau 15 năm gia nhập, Việt Nam đã đạt được mục tiêu quan trọng nhất là tăng cường quan hệ hợp tác, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 10 năm gia nhập APEC, nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm nhớ lại: "Tháng 11/1996, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết về Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác kinh tế đối ngoại 5 năm 1996-2000 với tư tưởng chủ đạo là phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tiến hành khẩn trương, vững chắc việc đàm phán hiệp định thương mại với Mỹ, gia nhập APEC và WTO".

Gia nhập APEC là cơ sở quan trọng cho Việt Nam trong quá trình hội nhập 25 năm qua, chẳng hạn ký kết Hiệp định thương mại song phương với Mỹ năm 2000, ban hành một loạt luật cải cách quan trọng (Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đầu tư) để xóa bỏ dần sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007 và mới đây là những nỗ lực đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP)...

"APEC đã trở thành khu vực đầu tư trực tiếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 65% tổng vốn đầu tư nước ngoài, 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế. Đây không chỉ là một diễn đàn có vai trò quan trọng với sự phát triển của Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế, đối ngoại, an ninh mà còn là một kênh hiệu quả để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác và làm sâu sắc quan hệ song phương với các thành viên, trong đó có hầu hết những đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định.

Thông qua APEC, Việt Nam có thể quảng bá hình ảnh, tiếp cận được nhiều hơn với các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia, tăng cường năng lực hợp tác, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài.

Trong 15 năm tham dự, Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến, đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC (nước chủ nhà Hội nghị cấp cao APEC 2006; Phó Chủ tịch Ủy ban thương mại và đầu tư năm 2006, Chủ tịch Nhóm công tác doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2006, Chủ tịch Ủy ban quản lý ngân sách năm 2007...)

Giai đoạn 2011 - 2015, APEC đưa ra một chiến lược mới là cải cách cơ cấu nhằm tăng cường minh bạch hóa và khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế. "Đây là cơ hội cho Việt Nam trong bối cảnh đang thực hiện tái cơ cấu trong nước. Theo đó, các nguyên thủ nước thành viên sẽ thông qua một chiến lược tái cơ cấu mới, chuyển sang hành động nhiều hơn và đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ cho các nền kinh tế đang phát triển", một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, Việt Nam cũng cần vượt qua những thách thức khi là thành viên của chuỗi kinh tế toàn cầu. "Mở cửa và hội nhập sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội nhưng để tận dụng được thì cần phải chủ động hơn rất nhiều", vị chuyên gia này nhấn mạnh. Theo ông, giai đoạn 1998 đến 2005, Việt Nam thực hiện rất hiệu quả quá trình cải cách tư pháp với các hệ thống văn bản luật đồng bộ như luật Đất đai, luật Đầu tư… Song, quá trình này đang bị chậm lại, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng có cái nhìn thận trọng hơn khi kinh tế đang gặp khó khăn mà môi trường kinh doanh chưa cải thiện nhiều.

"Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình cải cách pháp lý, thể chế, khu vực doanh nghiệp Nhà nước để giữ vững hình ảnh một đất nước năng động và cởi mở trong cộng đồng quốc tế", ông khuyến nghị.

Khắc phục những điểm đó, Việt Nam kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, song song với mục tiêu các chương trình nghị sự APEC sẽ sôi động hơn, thịnh vượng hơn và trải rộng trên toàn khu vực. Và nhằm đánh dấu cho 15 năm gia nhập APEC, Việt Nam sẽ lần thứ hai đăng cai Hội nghị cấp cao APEC vào năm 2017.

"Đây sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng - động lực của tăng trưởng toàn cầu", Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu khi tham dự hội nghị APEC tại Indonesia tháng 10 vừa qua.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (Asia – Pacific Economic Cooperation - gọi tắt là APEC) được thành lập vào tháng 11/1989 tại thủ đô Australia. Từ 12 thành viên sáng lập, sau 4 lần mở rộng, đến nay APEC có 21 thành viên, đại diện khoảng 40% dân số thế giới, đóng góp 54% GDP và 44% thương mại toàn cầu. Từ năm 1998 APEC chủ trương tạm ngừng kết nạp thành viên mới.

APEC hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận, tự nguyện và không ràng buộc. Cơ chế hoạt động gồm Hội nghị Cấp cao thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế thường niên, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành  và các Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Ngân sách hoạt động của APEC do các thành viên đóng góp và đóng góp tự nguyện của một số thành viên phát triển, đi đầu là Nhật Bản.

Sau 24 năm, APEC đã đạt những kết quả đáng kể trong việc thực hiện các Mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư. Mức thuế trung bình trong khu vực đã giảm từ 16,9% năm 1989 xuống còn 5,8% năm 2010; chi phí giao dịch thương mại cũng giảm đáng kể, thông qua 2 lần cắt giảm 5% vào các năm 2006 và năm 2010. Từ năm 1989 đến năm 2010, thương mại giữa các thành viên tăng từ 1,7 nghìn tỷ USD lên 9,9 nghìn tỷ USD.

Được sự ủng hộ của các nước, Việt Nam sẽ lần thứ hai đăng cai Hội nghị Cấp cao APEC vào năm 2017. Quyết định này nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á – Thái Bình Dương. 

Phương Linh - Thanh Bình

Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che