Hiệp định nêu trên vừa được ký trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại cuộc hội đàm trước đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã đề nghị phía Trung Quốc sớm triển khai khoản vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), bảo đảm tiến độ, chất lượng, đưa công trình này vào sử dụng theo đúng dự kiến (năm 2018).
Trên thực tế, khoản vay nêu trên đã được lãnh đạo Chính phủ Việt Nam có văn bản đồng ý từ tháng 7/2015. Trước đó, dự án được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký năm 2008 giữa Chính phủ 2 nước.
|
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm vốn để triển khai hoàn thành. Ảnh: Bá Đô
|
Với chiều dài tuyến đi trên cao hơn 13km, dự án ban đầu có tổng vốn gần 553 triệu USD. Đến đầu năm 2014, công trình được đề xuất điều chỉnh tổng mức đầu tư lên hơn 868 triệu USD do khâu khảo sát, thiết kế nhiều hạng mục chưa chính xác.
Sau lễ ký vay thêm vốn ngày 12/9, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có cuộc trao đổi với ông Mã Giang Kiểm - Tổng giám đốc Công ty Cục 6 Đường sắt Trung Quốc (đơn vị làm tổng thầu EPC cho dự án nêu trên), trong đó đề cập việc thi công chậm tiến độ. “Việc này có nhiều nguyên nhân nhưng dù gì thì với vai trò tổng thầu mà gây chậm trễ thì cần nhìn nhận trách nhiệm, nhất là trong khi nhiều doanh nghiệp tư nhân họ làm rất thành công. Công trường vắng vẻ, tổ chức thi công như thế thì gay go lắm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam theo đó yêu cầu Công ty Cục 6 phải khắc phục ngay bất cập, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án trên cơ sở đảm bảo chất lượng công trình, an toàn khi thi công. Ông Mã Giang Kiểm sau đó cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trao đổi trước đó với lãnh đạo Trung Quốc về hợp tác đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong chiến lược phát triển bền vững đang triển khai, Việt Nam coi trọng các yêu cầu về công nghệ cao, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Thủ tướng đề nghị Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế tạo máy, công nghiệp phụ trợ, năng lượng tái tạo...