Khi chưa có bò Australia, nguồn cung cho thị trường Việt Nam luôn thiếu hụt, còn hàng trong nước chất lượng không đảm bảo mà giá lại cao, theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan chia sẻ với VnExpress về biến động thị trường thịt bò trong nước hiện nay, nhất là khi nguồn cung thịt bò Australia nhập khẩu đang khan hiếm.
|
Ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Vissan.
|
- Vì sao Vissan nhập thịt bò từ nước ngoài về bán, trong khi doanh nghiệp đã xây dựng quy trình chăn nuôi, chế biến khép kín?
- Vissan có chuồng trại nuôi heo chứ chưa có trang trại nuôi bò bởi chi phí đầu tư rất lớn. Trong những năm qua, bò Việt Nam lại thiếu trầm trọng. Tổng đàn khoảng 6 triệu con nhưng được phân bổ khắp nơi nên cung không đủ cầu. Sản lượng thịt cho ra cũng không cao.
Thông thường lượng thịt bò Việt sau khi giết mổ còn khoảng 50%, ít hơn bò Australia 5%. Trọng lượng bò Việt cũng chỉ đạt 250kg một con, còn bò Australia tới 500 kg. Bò mang mác nội địa thực chất từ Thái Lan, Lào, Campuchia được dắt qua biên giới Chí Tôn, Tịnh Biên, An Giang, Lao Bảo, nhưng số lượng đang giảm dần mà chất lượng lại kém. Trung bình một ngày có khoảng 3.000-4.000 con vào Việt Nam qua đường biên giới. Hiện Vissan cũng không mua được bò trong nước nên buộc phải mua bò Australia từ các đơn vị nhập khẩu trong nước về bán.
- Có ý kiến cho rằng thịt bò Australia đang bán phá giá khiến ngành chăn nuôi trong nước lao đao. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Bò Australia chính ngạch nhập về đã cân đối được nguồn cung và tạo nên thị trường ổn định về giá cả, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bò Australia được chăn nuôi sạch, không dịch bệnh, sản lượng thịt cao hơn các loại bò trong nước.
Một năm trước đây, khi chưa có bò Australia, thị trường luôn thiếu nguồn cung thịt bò cho người tiêu dùng, chưa kể bò bị bơm nước khiến chất lượng thịt không tốt, nhà buôn tạo giá bất hợp lý nên người tiêu dùng phải chịu giá cao.
Gần đây, có thông tin cho rằng bò Australia bán phá giá. Theo tôi, bò Australia đang bán đúng giá. Hàng Việt Nam trước giờ bị làm giá nhưng vì thiếu nguồn cung nên chúng tôi phải chịu đựng và chấp nhận thiệt thòi khi mua bò trong nước về giết mổ. Nay bò Australia được nhập vào nên việc làm giá thịt bò trên thị trường đã chững lại. Hiện chúng tôi mua giá bò Australia hơi về giết mổ chỉ 70.000 đồng một kg, rẻ so 2.000 đồng so với hàng trong nước mà chất lượng tốt hơn. Do đó, giá bán thịt bò Australia cho người tiêu dùng rẻ hơn bò trong nước.
- Liệu nguồn cung thịt bò Australia cho thị trường Việt Nam có ổn định?
- Hiện nay, theo thông báo của nhà cung cấp, số bò nhập về giảm và lượng doanh nghiệp được nhập về cũng ít đi. Ngoài những doanh nghiệp lâu nay thực hiện nghiêm túc quy trình thanh toán, thuế, điều kiện nuôi nhốt, quy trình giết mổ… được tiếp tục nhập hàng thì những hồ sơ mới xin nhập bò Australia đều bị ngưng lại, không được xét. Số lượng bò bán cho Việt Nam cũng giảm nên hiện mỗi ngày, Vissan chỉ giết mổ 40 con bò Australia, giảm 10 con so với vài tháng qua.
Để được nhập khẩu, các nhà kinh doanh trong nước phải xây dựng khu nuôi nhốt, nhà máy giết mổ theo tiêu chuẩn Australia và được thẩm định trong vòng 5-6 tháng. Toàn bộ các khâu này đều có sự giám sát của chuyên gia Australia từ lúc bắt đầu đến khi hoạt động. Australia yêu cầu các nhà giết mổ phải đảm bảo theo quy trình giết mổ nhân đạo, tức là không được làm cho con vật bị hoảng loạn từ lúc vận chuyển đến khi giết mổ. Ở Việt Nam cũng chỉ mới có 2 đơn vị làm tốt điều này.
- Đâu là nguyên nhân bò Australia nhập vào Việt Nam có chiều hướng đi xuống?
- Trước đây Indonesia giảm nhập bò Australia nên họ đã mở rộng thị trường mới để bù vào lượng dư thừa do Indonesia giảm mua. Nay Indonesia nhập lại với số lượng lớn nên họ ưu tiên bán cho Indonesia (bởi nơi đây đáp ứng tốt hơn các điều kiện chăm sóc, bảo quản, giết mổ), giảm xuất bán cho Việt Nam.
Ngoài ra, từ tháng 11 đến tháng 4 ở Australia mưa nhiều, cỏ lên tốt, các trang trại chủ yếu chăm sóc và nuôi dưỡng chứ ít chú trọng xuất chuồng nên lượng bò xuất đi giảm. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài lâu vì Việt Nam là thị trường mới và tiêu thụ bò Australia ở mức cao. Từ đầu năm đến nay có khoảng 50.000 con xuất bán vào Việt Nam, dự kiến trong năm 2014 sẽ còn tăng thêm. Trong thời gian tới, bò Brazil và Ấn Độ cũng rục rịch vào Việt Nam nên có thể nguồn cung trong tương lai sẽ không thiếu hụt.
- Theo ông, Việt Nam nên làm gì để tự chủ nguồn cung mà không lệ thuộc vào thị trường nước ngoài?
- Trong thực tế, ngành chăn nuôi của chúng ta chưa được đầu tư đúng mực từ con giống, đồng cỏ, công nghệ. Do đó, sản lượng bò của Việt Nam tiếp tục giảm. Số lượng hiện tại chỉ cung cấp đủ cho các vùng địa phương, còn thành thị thiếu hụt trầm trọng.
Vì vậy, đây là dịp để cho ngành chăn nuôi Việt Nam nhìn lại mình và lên kế hoạch tổ chức lại ngành. Để phát triển tốt trong tương lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đưa ra đề án phát triển tham mưu cho Chính phủ đưa ra kế hoạch đầu tư thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hóa, bằng cách quy hoạch để tạo ra những đồng cỏ lớn và nuôi tập trung.
Hồng Châu