Đứng trước khu trang trại tan hoang, mặt đất ngập đọng nước với xác chuột chết bốc mùi hôi nồng, ông Giỏi buồn bã thở dài: “Bao nhiêu tâm sức, hi vọng không chỉ đối với tôi mà cho bao người dân về một cơ hội làm ăn giờ cũng tiêu tan”.
Lập trang trại nuôi chuột
Sau thời gian định cư bên Mỹ, đến tuổi hưu dành dụm được vài chục ngàn USD, ông Giỏi trở về nước sinh sống với mong muốn làm điều gì đó thiết thực ở quê nhà. Thấy thịt chuột vốn chế biến thành nhiều món ăn khoái khẩu, bán khá chạy, tại ĐBSCL hằng ngày người dân đi đánh bắt, thương lái qua Campuchia mua chuột đưa về số lượng lớn vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, từ đó ông nảy sinh ý tưởng... nuôi chuột.
Sau hai lần nuôi thử nghiệm thấy hiệu quả và nắm được kỹ thuật nuôi, ông Giỏi hợp tác với một số nông dân lập trang trại nuôi chuột ở thị trấn Tịnh Biên. Quanh khu đất rộng 1ha được đào mương thả nuôi cá, xây tường cao và âm sâu dưới mặt đất ngăn chuột ra ngoài, còn ở giữa thì trồng cây ăn trái, tạo những mô đất cho chúng làm tổ, đào hang. Cuối tháng 4-2012 họ thả nuôi 180.000 chuột con, hằng ngày cho ăn lúa, các thứ khoai củ tận dụng và ốc bươu vàng do dân nghèo gom bắt về bán.
Những nhân công ở trang trại cho biết chuột rất mắn đẻ, từ một con cái sau một năm có thể cho ra hơn 100.000 con cháu. Chuột con nuôi sau ba tháng mỗi con đạt trọng lượng khoảng 200gr, với giá bán 40.000 đồng/kg thì mỗi hecta cho lợi nhuận bạc tỉ. “Chúng tôi dự kiến đến khi thu hoạch sẽ mời dân đến tham quan rồi phổ biến cách làm này cho bà con. Với đất bạc màu canh tác kém hiệu quả ở vùng núi An Giang sẽ chuyển qua nuôi chúng” - ông Giỏi tâm sự.
|
Ông Phan Kim Giỏi với trang trại nuôi chuột tan hoang sau khi địa phương bơm nước vào đây để tiêu diệt toàn bộ số chuột nuôi - Ảnh: Đ.VỊNH
|
Thế nhưng, mới đây cơ quan chức năng đến kiểm tra yêu cầu bán hết số chuột trong vòng bốn tháng, sau đó lại yêu cầu trong một tháng phải dẹp trang trại. Chuột còn nhỏ chưa thể bán được hết, ông Giỏi gửi đơn cầu cứu khắp nơi, nhưng đến chiều 16-7 UBND tỉnh An Giang có công văn yêu cầu UBND huyện Tịnh Biên phối hợp các đơn vị liên quan buộc ông Giỏi chấm dứt nuôi chuột và cấp tốc tiêu hủy hết đàn chuột dưới sự giám sát của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên - môi trường trong vòng 24 giờ.
Sáng 17-7, nhân Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về công tác tại An Giang, ông Giỏi đã cố gặp được Chủ tịch nước và lãnh đạo tỉnh trình bày về mô hình cũng như nguyện vọng và tâm huyết của mình. Chủ tịch nước đã ân cần động viên ông, đồng thời đề nghị GS.TS Võ Tòng Xuân nghiên cứu để có ý kiến với tỉnh An Giang. Tuy nhiên ngay chiều hôm đó, chính quyền địa phương vẫn tiến hành “giải phóng” trang trại.
Thấy khó quản nên dẹp
Ông Huỳnh Chánh Huy, giám đốc Sở Tư pháp An Giang, cho rằng trang trại trên nuôi chuột trái phép. Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25-7-2001 nghiêm cấm và UBND tỉnh An Giang từ lâu cũng đã có văn bản nghiêm cấm việc nuôi chuột nên việc xử lý của UBND tỉnh là đúng.
Cách xử lý thiếu cân nhắc
“Ông Giỏi nuôi trái phép thì nghiêm cấm là đúng nhưng cách xử lý cho tiêu hủy là quá cập rập, thiếu cân nhắc, gây ra thiệt hại cho dân không cần thiết. Nếu sợ nuôi như vậy chuột sẽ phát tán gây hại mùa
màng thì nên hỗ trợ trang trại thực hiện thêm biện pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đồng thời nghiên cứu xem việc nuôi chuột có hiệu quả, để có thể phát triển nuôi một cách có kiểm soát, chứ không nên... sợ quản không được thì dẹp”.
Ông NGUYỄN MINH NHỊ
(nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang)
|
Theo ông Huỳnh Hiệp Thành - giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bên cạnh pháp luật nghiêm cấm thì mô hình, quy trình nuôi của ông Giỏi chưa đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh, chưa được kiểm tra thẩm định đảm bảo việc chuột không phát tán ra ngoài gây hại mùa màng nên không thể duy trì.
Bà Phan Thị Yến Nhi, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cũng cho biết theo quy định thì chuột thuộc nhóm đối tượng nguy hiểm, là động vật gây hại không được nuôi.
Ông Giỏi chỉ mới nuôi thử nghiệm chưa lấy gì đảm bảo an toàn, nếu để việc nuôi này phát triển nhân rộng thì rất khó kiểm soát. Trong khi An Giang là vùng trồng lúa trọng điểm sản xuất ba vụ, nếu lỡ xảy ra sự cố chuột phát tán ra môi trường thì nguy hại khôn lường, do đó cần phải ngăn chặn sớm. “Chúng tôi đã cho thời gian nhưng tới hạn mà ông Giỏi vẫn chưa thực hiện, buộc tỉnh phải yêu cầu tiêu hủy”, bà Nhi nói.
Thực tế ở ĐBSCL đã xuất hiện một số điểm nuôi chuột và được địa phương quản lý theo dõi chứ chưa cấm. “Đáng lý nên cho nuôi thêm một thời gian có sự giám sát của cơ quan chuyên môn, vừa nghiên cứu hoàn thiện bổ sung cho mô hình sao cho đảm bảo an toàn. Làm được như vậy thì biết đâu có một nghề nuôi mới tạo thêm nhiều việc làm giúp dân giảm nghèo. Phải chăng... sợ quản lý không được nên cấm”, một cán bộ Hội Nông dân bày tỏ.
GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng quyết định của UBND tỉnh An Giang là nóng vội, rất đáng tiếc. Theo ông, nếu cơ quan chức năng chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy đây không chỉ là mô hình nuôi chuột mà còn là hình thức diệt chuột, được gọi là bẫy chuột sinh học khá hiệu quả. Thực tế cho thấy khu vực xung quanh trang trại không hề bị chuột đào thoát ra ngoài cắn phá, mà chuột còn tự vào trong trang trại. Đáng lý tỉnh nên tỉnh táo cân nhắc kỹ lưỡng, chịu tìm hiểu thực tế để cho duy trì nuôi thêm một thời gian, vừa nghiên cứu để có thể phát triển việc “nuôi chuột để diệt chuột” sao cho hiệu quả.
Theo Đức Vịnh
Tuổi trẻ