Thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp hướng vào việc xây dựng thương hiệu tại thị trường gạo nội địa nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Nhiều người tiêu dùng chưa quan tâm đến gạo có thương hiệu, xuất xứ
Gạo được đựng trong các bao, không nhãn mác, không xuất xứ. Đó là hình ảnh rất quen thuộc của các đại lý gạo.
Gọi điện thoại, gạo được đóng thành ký giao tận nhà. Người tiêu dùng chủ yếu dựa vào niềm tin đối với đại lý. Điều này đã trở thành thói quen mua gạo của đa phần người dân Việt Nam từ trước đến nay.
Một người tiêu dùng chia sẻ: "Tôi thường mua gạo ở đại lý vì giá cả cũng phù hợp và đại lý thành lập từ nhiều năm nên tôi tin tưởng".
Ngược lại, những gian hàng gạo với các sản phẩm được đóng gói đẹp mắt, có thương hiệu và xuất xứ rõ ràng thì hầu như chưa được người tiêu dùng quan tâm.
Tuy nhiên, theo đại diện các siêu thị, đặt trong bối cảnh hiện nay khi người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp quan tâm chú trọng nhiều hơn đến thị trường gạo nội địa.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại, Siêu thị Big C cho rằng: "Người tiêu dùng hiện cũng mong muốn mua những sản phẩm có nguồn gốc thương hiệu và đảm bảo về mặt chất lượng. Đây là thị trường lớn để các nhà sản xuất gạo lớn có thương hiệu có thể khai thác và phát triển".
Gạo bán theo kiểu truyền thống ở các chợ, các đại lý gạo nhỏ lẻ có lợi thế là tiện hơn, nhưng gạo đóng bao, có nhãn hiệu lại ổn định hơn, chuẩn mực hơn về chất lượng, giá cả. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp đang gia tăng mạnh lượng gạo bán ra trên thị trường nội địa khi chú trọng hơn vào khâu phân phối, lưu thông, đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.
Nhiều doanh nghiệp lớn hiện nay đã tăng lượng gạo tiêu thụ nội địa của mình bằng khoảng 15% lượng gạo xuất khẩu hàng năm. Với mạng lưới bán lẻ rộng lớn, đại diện công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang đang đặt ra mục tiêu tiêu thụ được 10.000 tấn gạo trên thị trường nội địa trong năm nay.
Ông Trần Quốc Thanh, Phó Giám đốc ngành Lương thực, CTCP Bảo vệ thực vật An Giang cho biết: "Chúng tôi bắt đầu bước vào lĩnh vực kinh doanh gạo ở thị trường nội địa được hơn 1 năm. Mức độ tăng trưởng hàng tháng trung bình là 30-50%. Sản lượng tiêu thụ hiện nay đạt 1.000 tấn/tháng".
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp gạo hiện còn đưa ra chiến lược đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, khép kín từ khâu giống đến tiêu thụ, phát triển nhiều giống và loại gạo khác nhau. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, việc xây dựng thương hiệu gạo trong nước cũng chính là bước đầu hình thành thương hiệu gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Theo Quỳnh Như
VTV