Tại cuộc giao ban do Thành ủy tổ chức chiều 1/7, Công an TP. Hà Nội cho biết, sẽ rà soát toàn bộ các đơn vị kinh doanh mua, bán phần mềm, thiết bị điện tử, điện thoại di động trên địa bàn.
Rao bán công khai
Thông qua việc tạo ra, cài đặt, phát tán, duy trì phần mềm Ptracker, Công ty Việt Hồng đã cố ý truy cập bất hợp pháp vào máy điện thoại của nhiều người để chiếm quyền điều khiển, can thiệp vào chức năng của máy điện thoại nhằm lấy cắp thông tin riêng cung cấp cho người khác, thu lợi bất chính. Số tiền Công ty Việt Hồng thu về từ việc kinh doanh trái phép ước tính khoảng 900 triệu đồng, dù công ty này chỉ mới chính thức phát triển dịch vụ trên từ tháng 6/2013.
Đại tá Dương Văn Giáp – Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP. Hà Nội cho biết, đây không phải là sự việc đầu tiên. Chỉ 3 tháng trước, Công an TP.Hà Nội đã bắt một cơ sở kinh doanh điện thoại trái phép ở quận Đống Đa, thu trên 700 thiết bị về camera, nghe trộm, ghi hình, cài đặt... Rất nhiều loại linh kiện, thiết bị để thực hiện những hành vi lấy cắp thông tin được rao bán công khai trên mạng và ngoài chợ.
Ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav - khẳng định, trên thị trường hiện “đầy rẫy” những phần mềm tương tự như Ptracker được bày bán với nhiều mức giá khác nhau, phù hợp với nhu cầu của mọi đối tượng: Cá nhân và doanh nghiệp. Người mua và người bán đều có thể giao dịch một cách dễ dàng.
Ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông:
Cần bổ sung thêm vào Nghị định số 59/2006/NĐ-CP quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện, các mặt hàng liên quan về phần mềm, thiết bị nghe lén nhằm hạn chế tình trạng các sản phẩm này đang “trôi nổi” trên thị trường.
|
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Trí - Phó Chánh thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông - nhấn mạnh, hành vi chiếm đoạt quyền điều khiển thiết bị di động, nghe lén, trộm căp thông tin cá nhân, gây mất an toàn bí mật riêng tư của người sử dụng... đã vi phạm điều 21 - Hiến pháp, điều 12 - Luật Viễn thông, điều 8 - Luật Quảng cáo... Đây là hành vi vi phạm pháp luật cực kỳ nghiêm trọng.
Kiểm soát “chặt”
Đại tá Dương Văn Giáp cho biết, thời gian tới, Công an TP.Hà Nội sẽ làm quyết liệt xử lý người kinh doanh mua, bán thiết bị, phần mềm nghe lén. Giám đốc Công an Ha Nội đang chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt với lực lượng hải quan, quản lý thị trường, cửa khẩu để ngăn chặn các sản phẩm này du nhập vào trong nước. Bên cạnh đó, sẽ kiến nghị tới các cơ quan chức năng để kiểm soát lĩnh vực viết phần mềm - hiện đang rất rộng, rất khó kiểm soát, giám sát.
Theo quy định, không một cơ quan đơn vị nào được phép nghe lén về những vấn đề liên quan đến đời tư cá nhân, trừ những trường hợp đặc biệt được cho phép. Không chỉ người tổ chức nghe lén mà ngay cả người đi thuê để nghe lén cũng đều vi phạm và bị xử lý.
Bà Trần Minh Huệ - Phó Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội - bày tỏ, Bộ Thông tin và Truyền thông đang có dự thảo về Luật An toàn thông tin, trong đó sẽ đưa ra những chế tài cụ thể góp phần khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của cơ quan nhà nước, người sử dụng nên tránh để bị chiếm dụng điện thoại, sử dụng phần mềm bản quyền quét các chương trình gây hại, không tải phần mềm không rõ nguồn gốc và thường xuyên cập nhật những thông tin vi phạm để có biện pháp đề phòng.
Theo Quỳnh Nga – Lan Anh