Bị ảnh hướng sự sụt giảm của thị trường thế giới, xuất khẩu cao su trong tháng 7/2012 giảm 31,5% về giá nhưng lại tăng tới 32% về lượng. Trên thị trường thế giới những ngày đầu tháng 8, giá cao su tại thị trường Tokyo rớt xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm qua khi chỉ còn 213,9 yên/kg. Trong khi giá dầu thô đang có xu hướng tăng trở lại mà cao su lại bị xuống giá là một diễn biến không tốt và đi ngược lại quy luật giá dầu giảm, cao su giảm giá như vốn có của nó.
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong tháng 7, cả nước xuất khẩu được 65 ngàn tấn cao su, đạt giá trị 195 triệu USD. Lũy tiến trong 7 tháng đầu năm, lượng cao su xuất khẩu được 468 ngàn tấn, thu về 1,4 triệu USD. Sang tuần đầu tháng 8, giá cao su tại thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc tiếp tục giảm chỉ còn 17.000- 17.200 NDT/tấn, giảm 200 NDT so với cuối tháng 7. Giá cao su thế giới hiện dao động ở mức trên dưới 2.600 USD/tấn, giảm tới 50% so với năm 2011.
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, lo ngại: Cao su xuất khẩu 7 tháng qua tăng 22% về lượng nhưng giảm 96% về giá. Hiện giá cao su đã giảm rất mạnh, lên tới trên 31% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo từ nay đến cuối năm xu thế giá vẫn giảm do nhu cầu tăng chậm của nền kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, sản lượng cao su trong nước đang tăng, điều này đã gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp. sản xuất và xuất khẩu.
Cùng với diễn biến bất lợi về giá trên thị trường thế giới thì các doanh nghiệp trong ngành cao su cũng gặp những khó khăn khác về chính sách thuế và phí bảo vệ môi trường đối với túi nilon. Để đa dạng hóa sản phẩm cao su sản xuất trong nước và cũng là gia tăng giá trị cho xuất khẩu cao su, nhiều doanh nghiệp trong hiệp hội đã đầu tư vào nhóm hàng có giá trị cao như cao su ly tâm (latex) và cao su hỗn hợp (compound).
Tuy nhiên, với mức thuế xuất khẩu phải đóng là 3% như hiện nay thì các doanh nghiệp đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không cạnh tranh được với chính doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại các khu chế xuất ở Việt Nam và doanh nghiệp của nước khác. Bà Hoa bày tỏ: Việc đánh thuế 3% đã khiến doanh nghiệp trong nước ngừng hoặc giảm sản xuất hai chủng loại cao su ly tâm và cao su hỗn hợp.
Điều này đi ngược chủ trường của ngành cao su là đa dạng hoá sản phẩm. Trong khi cao su Việt Nam tiêu thụ tại thị trường trong nước thấp, chỉ chiếm 18-20% thì việc phải chịu thêm thuế xuất khẩu đã gây nhiều bất lợi về giá cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới. “Tại sao doanh nghiệp nước ngoài trong khu chế xuất lại không phải chịu thuế xuất khẩu 2 mặt hàng cao su đó mà doanh nghiệp trong nước lại phải chịu”- Bà Hoa bức xúc.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu cao su chia sẻ: “Với mức thuế này, sản phẩm trong nước tăng giá thêm 100 USD/tấn khiến cao su trong nước không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng chủng loại của Malaysia, Thái Lan, Indonesia. Khi doanh nghiệp thấy kinh doanh không có lời sẽ lại quay sang xuất mủ cao su cốm với giá trị thấp cho thị trường Trung Quốc và dễ dẫn đến bị lệ thuộc vào thị trường lớn này.
Bên cạnh đó, mỗi tấn mủ cao su xuất khẩu các doanh nghiệp còn phải chịu thêm 250.000 đồng thuế bảo vệ môi trường cho túi ni lông bọc ngoài sản phẩm. Theo giải thích của Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam thì “túi ni lông bọc ngoài cao su được xem là một thành phần của nguyên liệu, không bóc ra được và thường được đưa vào xử lý cùng nguyên liệu trong quá trình chế biến chứ không xả thải ra môi trường”.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, Hiệp hội Cao su Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Bộ Tài chính xem xét miễn hoặc hoãn thuế xuất khẩu một số chủng loại cao sư tự nhiên để khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài ra, cũng cần xem xét miến thuế bao bì PE đóng gói cao su .
Theo Thùy Linh
Báo Công thương