Xuất khẩu gạo: Nghịch lý 2012, trăn trở 2013
Liên kết - đối tác
Số lượt truy cập
Hôm nay: 1484
Hôm qua: 5605
Tổng số: 8905246
 

 
 

Cập nhật lúc: 1/3/2013 5:15:06 PM
Cả trên bình diện quốc gia lẫn quốc tế, thị trường XK gạo năm 2012 đầy những bất ngờ. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là năm trọn vẹn trong XK loại nông sản chiến lược này.
 
Xuất khẩu gạo: Nghịch lý 2012, trăn trở 2013

Ngay từ giữa năm 2011 “làng XK gạo thế giới” đã không khỏi bất an bởi dự báo rằng nhu cầu NK gạo năm nay sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ước tính tháng 11 vừa qua, khối lượng gạo NK của thế giới vẫn tăng mạnh, đạt kỷ lục mới 38,2 triệu tấn.

“Sốc” trên thị trường gạo thế giới

Đến tận tháng 4/2012, FAO vẫn cho rằng, NK gạo thế giới năm nay sẽ chỉ đạt 34,3 triệu tấn, giảm chút ít so với ước tính 35,2 triệu tấn của năm 2011. Và cũng tương tự, tháng 11 vừa qua FAO lại ước tính lượng gạo NK năm nay sẽ đạt kỷ lục mới 37,5 triệu tấn.

Ở phía đầu vào của thị trường này, tâm điểm không thể ai khác ngoài “người khổng lồ” số 2 thế giới Ấn Độ đã liên tục gây “sốc” cực mạnh trên thị trường gạo thế giới và gần như chắc chắn sẽ chiếm “ngôi vương” năm nay và biến Thái lan thành “cựu vương”. Bởi lẽ, ở thời điểm bắt đầu dự báo về niên vụ 2011/2012, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) chỉ “rón rén” cho rằng, lượng gạo XK của Ấn Độ sẽ chỉ là 2,4 triệu tấn, rồi sau đó liên tục nâng lên rất nhanh và cuối cùng dừng lại ở con số tròn trĩnh 10 triệu tấn, tăng đại nhảy vọt 2,16 lần.

Trong khi đó, từ chỗ cho rằng lượng XK của Thái Lan sẽ đạt 10 triệu tấn, nhưng sau đó USDA đã lần lượt rút xuống rất nhiều và chốt lại ở mức 6,5 triệu tấn.

Xét trên phương diện này, cho dù năm nay có đạt kỷ lục mới 7,7 triệu tấn như ước tính của VFA, thậm chí theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì có thể đạt kỷ lục trên 8 triệu tấn, thì VN cũng không phải là hiện tượng lạ, bởi không nằm ngoài tầm của các dự báo nói trên quá xa.

Ở phía đầu ra của thị trường này, bất ngờ lớn nhất không phải là kỷ lục của Nigeria khiến một quốc gia Châu Phi lần đầu tiên giữ kỷ lục trong NK mặt hàng này, mà là cường quốc sản xuất và tiêu dùng gạo số 1 thế giới Trung Quốc.

Bởi lẽ, cho dù lượng gạo NK của Nigeria ước tính là 3,2 triệu tấn, nhưng nếu so với dự báo ban đầu 1,95 triệu tấn thì đó không phải là khoảng cách quá xa, trong khi dự báo ban đầu về Trung Quốc chỉ là 400 nghìn tấn, nhưng con số cuối cùng lại là kỷ lục 2,6 triệu tấn.

Hẳn nhiên, những bất ngờ đó của thị trường gạo thế giới đều có những nguyên nhân của nó. Đối với Ấn Độ, đó là nguyên nhân “kép”: được mùa vượt rất xa dự báo và lệnh cấm XK kéo dài khiến kho dự trữ quá đầy được dỡ bỏ. Các số liệu thống kê cho thấy, ban đầu sản lượng gạo niên vụ 2011/12 của Ấn Độ được dự báo chỉ tăng nhẹ hơn 1 triệu tấn, nhưng sau đó đã liên tục được nâng lên và cuối cùng đạt kỷ lục 104,3 triệu tấn, tăng 8,34 triệu tấn.

Trong bối cảnh như vậy, nếu như kho dự trữ của Chính phủ ở thời điểm ban hành lệch cấm XK gạo trắng năm 2008 chỉ là 13 triệu tấn thì ở thời điểm dỡ bỏ lệnh cấm tháng 9/2011 đã đạt 24,5 triệu tấn.

Như vậy, được mùa lớn và kho dự trữ quá đầy đã khiến Ấn Độ buộc phải tăng tốc XK. Trong điều kiện phải ồ ạt đẩy gạo ra thị trường thế giới, cách mà các thương nhân Ấn Độ không thể không làm là liên tục duy trì giá thuộc loại thấp nhất thế giới.

Trong khi đó, tất cả những gì diễn ra ở Thái Lan lại ngược lại. Bởi lẽ, với giá mua lúa của Chính phủ được “đóng đinh” ở mức 15.000 baht/tấn, cao gấp khoảng 1,8 lần giá thị trường, đã đẩy giá gạo trắng XK lên 750 - 800 USD/tấn thì mới không bị lỗ, trong khi 10 tháng đầu năm dù nỗ lực vượt bậc các thương nhân cũng chỉ đạt được 568 USD/tấn, tức là chỉ tăng 57 USD và 11,2 % so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh như vậy, cho dù chương trình thế chấp đã mua được khối lượng lúa khổng lồ gần 25,3 triệu tấn, tương ứng với khoảng 16,7 triệu tấn gạo, nhưng hầu như toàn bộ vẫn “án binh bất động” trong kho, còn lượng gạo XK năm nay “rơi tự do” xuống chỉ khoảng 6,5 – 6,7 triệu tấn và Thái Lan dù muốn hay không cũng buộc phải hoán đổi vị trí số 1 thay cho vị trí số 3 của Ấn Độ sau tròn 30 năm liên tục “không có đối thủ” cạnh tranh.

Trong khi đó, nếu như lượng gạo NK của Nigeria tăng đột biến là do Chính phủ liên tục tăng mạnh thuế NK để kích thích sản xuất, thì nguyên nhân khiến Trung Quốc tăng đại nhảy vọt là do Chính phủ tiếp tục chương trình tăng giá lúa gạo trong nước trong khi giá gạo thế giới lại quá rẻ.

Trong bối cảnh như vậy, đây chính là cơ hội vàng để các thương nhân Trung Quốc tăng ồ ạt NK gạo với giá rất rẻ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng không khác gì “chiếc thùng không đáy” và để làm đầy thêm kho gạo dự trữ khổng lồ nhất thế giới của mình.

 

 

Một năm không trọn vẹn

Trước hết, nếu như lượng gạo XK trong tháng cuối cùng đạt 600 nghìn tấn như dự kiến của VFA và giá cũng đạt 464 USD/tấn như tháng 11 thì năm 2012 sẽ ghi nhận kỷ lục XK mới 7,7 triệu tấn, tăng 8,4%, nhưng kim ngạch chỉ đạt 3,44 tỉ USD, giảm 1,8% so với kỷ lục năm 2011.

Không những vậy, nếu “gán” các số liệu thống kê và dự kiến của VFA trong hai tháng cuối năm vào các số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan thì lượng gạo XK năm 2012 sẽ đạt kỷ lục mới 8,1 triệu tấn, tăng 13,8%, còn kim ngạch cũng đạt kỷ lục mới 3,7 tỉ USD, nhưng chỉ tăng 1,2%.

Trong đó, cho dù là theo số liệu thống kê nào thì giá gạo XK năm 2012 cũng giảm mạnh so với năm 2011, bởi theo số liệu của VFA thì chỉ đạt 447 USD/tấn, giảm 9,4%, còn theo số liệu của Tổng cục Hải quan thì cũng chỉ đạt 457 USD/tấn, giảm 11,1%.

Nếu quan sát tiến độ theo từng tháng, có thể thấy vấn đề bao trùm trong XK gạo năm 2012 là khi giá đạt đỉnh thì lượng lại chạm đáy, còn trong giai đoạn giá ở mức đáy thì lượng lại ở đỉnh. Nếu tính theo tháng, hai “cực đối lập” là tháng 1 với giá đạt đỉnh 550 USD/tấn thì lượng chạm đáy chỉ với 279 nghìn tấn, còn với giá chạm đáy chỉ với 395 USD/tấn trong tháng 7 thì lượng lại cao ngất ngưởng 765 nghìn tấn.

Thế nhưng, việc giá XK của nước ta giảm rất mạnh so với giá thế giới đương nhiên còn cho thấy một nguyên nhân khác có tác động mạnh hơn rất nhiều phát sinh ngay ở trong nước.

Đó chỉ có thể là, năm 2011 được mùa 2,3 triệu tấn lúa, tương ứng với 1,4 triệu tấn gạo, nhưng XK chỉ tăng 350 nghìn tấn, cho nên nếu tiêu dùng trong nước cũng chỉ tăng 350 nghìn tấn thì vẫn còn 700 nghìn tấn gạo tồn kho tăng thêm phải chuyển sang XK trong năm 2012 và do năm 2012 cũng được mùa khoảng 1,1 triệu tấn lúa cho nên lượng gạo XK tăng đột biến, tạo sức ép cực mạnh buộc các DN phải “đại hạ giá” để tăng tốc XK.

Trong khi đó, các DN XK gạo của nước ta đã có cuộc đua mãnh liệt về giá với các đồng nghiệp Thái Lan nhưng lại quên mất rằng giá của Ấn Độ vẫn “án binh bất động”. Thực tế đó không khác gì việc xua đuổi khách hàng sang Ấn Độ, cho nên mất đà XK 700 nghìn tấn/tháng ngay từ tháng 9/2011 và chạm đáy chỉ với 279 nghìn tấn trong tháng 1/2012 và muốn đưa khách hàng trở lại để tăng tốc XK thì điều không thể không làm là “đại hạ giá”.

Nói tóm lại, trong những biến động bất ngờ của thị trường gạo thế giới, các DN XK gạo của nước ta đã bị bất ngờ, cho nên XK gạo năm 2012 đã không thể đạt được kết quả trọn vẹn.
 
 
Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch hiệp hội Lương thực VN (VFA):
Xuất khẩu gạo đầu năm 2013 có nhiều thuận lợi

Đầu năm 2013, chúng ta sẽ bán được khối lượng gạo khá lớn vào một số thị trường nhập khẩu tập trung truyền thống như: Philippines, Indonesia, Malaysia, Châu Phi… Vừa qua, VN và Indonesia đã đạt thoả thuận gia hạn hợp tác cấp chính phủ về cung cấp gạo đến năm 2017. Khu vực Châu Á ngoài Indonesia ra thì dự báo Philippines và Trung Quốc là hai thị trường sẽ nhập khẩu gạo với số lượng lớn ngay từ đầu năm sau.

Qua theo dõi diễn biến thị trường lương thực toàn cầu trong một vài tháng gần đây, cộng với động thái công bố kế hoạch nhập khẩu gạo của một số quốc gia, tôi có thể khẳng định rằng đầu năm 2013 thị trường xuất khẩu gạo của VN sẽ hoàn toàn khác so với đầu năm nay. Nông dân không phải lo vấn đề đầu ra nên ngay từ bây giờ, những nơi nào có điều kiện thì bà con nên xuống giống sớm vụ lúa đông xuân để có thể bán được giá tốt.

GS Võ Tòng Xuân:
Thiếu hợp đồng xuất khẩu gạo gối đầu trong quý I/2013

Nhiều DN xuất khẩu gạo vẫn gặp khó khăn do xuất khẩu chủ yếu thông qua hợp đồng thương mại, số lượng nhỏ, giá thấp và rủi ro cao. Dự kiến năm 2013, xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do nguồn cung dồi dào, nhu cầu sụt giảm và có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn cung. Hiện các DN xuất khẩu gạo đang thiếu hợp đồng gối đầu trong quý I- 2013. Vì vậy, Bộ Công Thương cần phải tăng cường công tác xúc tiến thương mại cấp quốc gia, đặc biệt là thị trường Châu Phi có nhu cầu nhập khẩu gạo thường xuyên để ký kết các thỏa thuận thương mại gạo theo các hợp đồng Chính phủ, hạn chế mua bán thương mại qua trung gian…

Ông Nguyễn Văn Tiến -Giám đốc Cty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex):
Thái Lan sẽ là mối quan tâm lớn đối với thị trường gạo VN

Sản lượng lúa cả năm 2012 đạt 42,5 -42,8 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với năm 2011. Theo đó, sản lượng gạo hàng hóa có thể xuất khẩu là 7,5-7,7 triệu tấn. Nếu tính cả lượng gạo tồn kho của các DN từ năm 2011 chuyển qua thì lượng gạo hàng hóa năm 2012 lên tới 8,6- 8,8 triệu tấn. Nếu lượng gạo dành để gối đầu vụ sau là 1,1 triệu tấn thì con số xuất khẩu 7,7 triệu tấn trong năm nay của VN là hoàn toàn khả thi. Tình hình thị trường gạo thế giới trong thời gian tới dự báo theo xu hướng bão hòa đến sụt giảm do nhiều nước sản xuất bước vào vụ thu hoạch mới (bao gồm Pakistan, Ấn Độ, Myanmar, Campuchia và Thái Lan) kết hợp với nhu cầu yếu và thương mại thận trọng từ các nhà nhập khẩu. Trong đó, Thái Lan là mối quan tâm chính trên thị trường vì không biết bao nhiêu và khi nào tồn kho sẽ được bán ra. Nỗi lo Thái Lan sẽ bán phá giá để giải quyết tồn kho đang đè nặng tâm lý thị trường.

Theo Nguyễn Đình Bích

DDDN

 
Ý kiến bình luận
Tiêu đề
Nội dung
Họ và tên
Email
 (Chú ý: Những thông tin có (*) là bắt buộc.)
Hỗ trợ trực tuyến
Hỗ trợ người tiêu dùng
0964 265 805
info@nutieudung.org

may nen khi truc vit 

 

nha xuong tien che